16:55 01/08/2022

Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến dự án nâng cấp Quốc lộ 14E hơn 1.800 tỷ đồng qua Quảng Nam

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị rà soát điều chỉnh hướng tuyến dự án nâng cấp Quốc lộ 14E qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, giảm tối đa chi phí giải phóng mặt bằng, khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi...

Quốc lộ 14E qua huyện Hiệp Đức rất chật chội, mất an toàn giao thông.
Quốc lộ 14E qua huyện Hiệp Đức rất chật chội, mất an toàn giao thông.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Văn bản số 7677/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam về đề nghị nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến khi nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E cho phù hợp, phát huy hiệu quả đầu tư, giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Nam, Bộ Giao thông vận tải, cho hay trong quá trình lập, thẩm định hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, Bộ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (chủ đầu tư) và các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp của UBND tỉnh Quảng Nam, các địa phương để chọn phương án đảm bảo tối ưu, giảm thiểu chi phí giải phóng mặt bằng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Về phương án tuyến được lựa chọn trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cơ bản phù hợp, tận dụng tối đa kết cấu hiện hữu của Quốc lộ 14E. 

 

"Các đoạn tuyến qua khu đông dân cư như đoạn qua khu đô thị Việt An, huyện Hiệp Đức; đoạn qua trung tâm xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn; đoạn qua trung tâm xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn; đoạn tuyến Km57+000-Km59+300 thường xuyên ngập lụt… được lựa chọn làm tuyến tránh nhằm hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các đơn vị liên quan tiếp thu kiến nghị của cử tri nêu trên trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và các bước tiếp theo của dự án.

Trước đó, đầu tháng 7, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công văn số 4254 về việc phối hợp triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E, đoạn Km15+270- Km89+700.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn rà soát phương án hướng tuyến và các nội dung liên quan đến dự án để phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 4 trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ dự án đầu tư.

Về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, UBND tỉnh giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; UBND các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn và chủ đầu tư trương thực hiện đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1415.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh kỳ họp lần 9 xem xét, quyết định. UBND các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn chịu trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư để triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Vào tháng 2 đầu năm nay, Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E từ Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sang Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 4.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu và toàn bộ trách nhiệm chủ đầu tư dự án cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chủ đầu tư; đồng thời có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan và kế thừa toàn bộ trách nhiệm chủ đầu tư đồng thời khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư dự án.

 

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E có điểm đầu tại Km15+270 tại vị trí giao cắt với đường sắt Bắc - Nam (huyện Thăng Bình), điểm cuối tại Km89+700 tại nút giao Quốc lộ 14E với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (ngã ba Làng Hồi, huyện Phước Sơn). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 74km đi qua các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn.

Đây là dự án thuộc nhóm B, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 1.850 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Dự án hoàn thành sẽ nâng cao chất lượng tuyến đường hàng chục năm chưa được cải tạo và tạo thuận lợi cho các phương tiện giao thông đi lại của người dân hàng chục xã. Đồng thời sẽ rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông lâm sản từ các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đến các tỉnh duyên hải miền Trung và Nam Trung Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong vùng, phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây; đảm bảo quốc phòng, an ninh cho khu vực.