12:18 10/04/2023

Đề xuất được rút bảo hiểm xã hội một lần sau 3 tháng nghỉ việc

Nhật Dương

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét để giảm điều kiện về thời gian từ 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện xuống mức khoảng 3 tháng thì người lao động được nhận bảo hiểm xã hội một lần…

Người lao động hưởng bảo hiểm một lần có xu hướng tăng. Ảnh minh họa - N.Dương.
Người lao động hưởng bảo hiểm một lần có xu hướng tăng. Ảnh minh họa - N.Dương.

Đề xuất được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu trong văn bản gửi đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội góp ý về dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi).

CÒN TÌNH TRẠNG "BÁN NON" SỔ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Góp ý về chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hưởng bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực trong thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016 — 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.

Hiện tại, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang đưa ra 2 phương án về bảo hiểm xã hội một lần của người lao động, trong đó phương án 1 giữ nguyên như quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội.

Phương án 2 quy định: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, với cả 2 phương án đều áp dụng điều kiện “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thực chất của điều kiện trên là chấm dứt hợp đồng lao động và không tham gia vào quan hệ lao động mới cho người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, như vậy là không phù hợp với mục đích và bản chất của bảo hiểm xã hội một lần.

Bởi vì bảo hiểm xã hội một lần là nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo duy trì cuộc sống. Tình trạng “bán non sổ bảo hiểm xã hội” cũng như tín dụng đen vừa qua cũng xuất phát từ quy định trên. Vì vậy, cơ quan này đề nghị xem xét để giảm điều kiện về thời gian từ 12 tháng xuống mức khoảng 3 tháng.

TĂNG TÍNH CHIA SẺ CHO NGƯỜI CÓ LƯƠNG HƯU THẤP

Về sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, để hưởng chế độ hưu trí thì thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu phải từ đủ 20 năm trở lên (trừ một số trường hợp đặc biệt thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sẽ thấp hơn).

Tuy nhiên, điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội này được đánh giá là còn khá dài, dẫn đến người tham gia không tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, nhiều người không đủ kiên nhẫn nên rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần lớn và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu so với quy định của pháp luật hiện hành để người lao động có thể được hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng từ đủ 15 năm trở lên là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và phù hợp với nguyện vọng của số đông người lao động.

Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu của người nghỉ hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, do vậy, việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp nghỉ hưu ở mức lương hưu thấp.

Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn và đề nghị tăng tính chia sẻ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Đối với việc mở rộng đối tượng tham gia, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.

Việc bổ sung các nhóm chủ thể này sẽ góp phần thúc đầy tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, tuy nhiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn băn khoăn về tính khả thi của việc bổ sung này.

Bởi, theo phân loại thống kê, chủ hộ kinh doanh là cá thể, là đối tượng thuộc khu vực phi chính thức, không làm việc theo hợp đồng lao động, không được trả lương; có chủ hộ thuê mướn, sử dụng lao động, nhưng cũng có chủ hộ kinh doanh không sử dụng lao động; có chủ hộ kinh doanh trong độ tuổi lao động nhưng cũng có người ngoài độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Do đó, nếu quy định họ là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ, cần có giới hạn về tuổi và chỉ nên áp dụng đối với những chủ hộ kinh doanh có thuê mướn, sử dụng lao động.