06:00 16/03/2023

Được - mất của hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Phúc Minh

Nếu không có sửa đổi về chính sách, không thể hạn chế việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, song nếu giảm 50% mức hưởng và thời gian còn lại được bảo lưu để tính hưởng lương hưu cũng có thể gây ra phản ứng rất lớn từ người lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, điều kiện khá dễ dàng được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến số lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao. Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang đề xuất hai phương án về vấn đề này.

Phương án 1: Giữ như quy định hiện hành, trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2: Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu, thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu. Khi đó người lao động được lựa chọn: Nếu đóng tiếp thì cộng nối để hưởng lương hưu nếu đủ điều kiện; chưa đủ thời gian đóng thì được lựa chọn đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hàng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Đánh giá tác động đối với phương án 1, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, không có tác động về kinh tế. Tuy nhiên, đối với người lao động sẽ thiệt hại về lâu dài khi họ nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ khó có thể tích lũy được thời gian đóng để hưởng lương hưu, hoặc đủ để hưởng với tỷ lệ hưởng cao.

Do không có sửa đổi về chính sách, cho nên không thể hạn chế tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần như hiện hành, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động này khi đến tuổi nghỉ hưu.

Với phương án 2, Bộ đánh giá đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ giảm được số tiền được chi trả ban đầu khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đối với người lao động, giảm số tiền nhận được khi giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhưng bù lại 1⁄2 thời gian đã đóng sẽ được bảo lưu lại để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Về cơ bản do người lao động đã tính đến việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì chỉ quan tâm đến lợi ích trong ngắn hạn nhận được, cho nên phương án này sẽ rất dễ gây ra phản ứng, sự phản đối rất lớn từ những người lao động có tâm lý muốn rút bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc. Do đó cần giải thích cho người lao động hiểu được những lợi ích dài hạn hơn sẽ nhận được.

Ngoài ra, phương án này cần rà soát để đảm bảo tương quan với các quy định khác trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, như trường hợp người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Việc thời gian đóng bảo hiểm xã hội được bảo lưu sau khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần chỉ được xem xét chế độ bảo hiểm xã hội khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, sẽ làm hạn chế quyền lợi thụ hưởng của người lao động đối với các chế độ ngắn hạn.

Ngoài giải pháp trực tiếp theo hai phương án đề xuất trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đưa ra các giải pháp gián tiếp để khuyến khích người lao động không nhận bảo hiểm xã hội một lần như: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.

Theo số liệu thống kê về số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần phân theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua cho thấy, với việc giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm sẽ làm giảm đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần (tăng đối tượng hưởng lương hưu) bình quân ít nhất khoảng trên 10.000 đến trên 40.000 người mỗi năm.

Ngoài ra, số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, tổng thời gian đóng bình quân theo năm của các độ tuổi tăng dần từ lao động có độ tuổi thấp đến cao, đặc biệt độ tuổi từ trên 50 tuổi có số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân là 7,23 năm.

Như vậy, nếu vẫn giữ nguyên quy định điều kiện hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm thì những người lao động này khó có cơ hội hưởng lương hưu, từ đó họ lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm (tiến tới 10 năm khi đủ điều kiện cho phép) sẽ khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Các giải pháp khác cũng được tính đến là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội…