14:02 09/08/2024

Đề xuất giảm tiền phạt với vi phạm nồng độ cồn liệu có giảm tính răn đe?

Thi Nguyễn

Trong dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đưa ra đề xuất hạ mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn theo hướng “dễ thở” hơn so với trước. Đề xuất này đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hướng dẫn thực hiện Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bộ đề xuất giảm mức phạt tiền với lỗi điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn mức thấp nhất để phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm.

GIẢM TIỀN PHẠT VỚI VI PHẠM NỒNG ĐỘ CỒN

Theo đó, Bộ Công An đề xuất giảm mức phạt tiền với lỗi điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn mức thấp nhất để phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm, cụ thể:

Đối với ôtô, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đến một triệu đồng đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Theo quy định hiện hành, với nồng độ cồn như trên, người điều khiển ôtô bị phạt 6 - 8 triệu đồng.

Với môtô, xe gắn máy, dự thảo nghị định quy định phạt tiền 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Theo quy định hiện hành, với nồng độ cồn như trên, người điều khiển môtô, xe gắn máy bị phạt 2 - 3 triệu đồng.

Với xe máy chuyên dùng, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đến một triệu đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Theo quy định hiện nay, nếu vi phạm nồng độ cồn như trên, người điều khiển xe máy chuyên dùng bị phạt 3 - 5 triệu đồng.

Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe với tất cả hành vi vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 12 điểm.

Lỗi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở có thể bị trừ 10 điểm.

Nếu lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở có thể bị trừ 2 điểm.

NHIỀU Ý KIẾN ĐƯỢC ĐƯA RA

Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia và dư luận cả nước, liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đào Tiến Phong, Công ty Tư vấn InvestPush, cho biết ông đồng tình với đề xuất giảm mức phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn của Bộ Công an vì đã tham khảo rất nhiều ý kiến của người dân, chuyên gia, cũng như các bộ, ban, ngành có liên quan.

“Một quyết định nên thay đổi tuỳ theo tình hình thực tế và sự đóng góp ý kiến của xã hội. Giai đoạn vừa qua, sự quyết liệt trong việc xử phạt nồng độ cồn đã tạo được kết quả bước đầu mà chúng ta có thể thấy rõ trong cuộc sống hàng ngày. Người dân đã có ý thức nhiều hơn trong việc tuân thủ pháp luật”, Luật sư Đào Tiến Phong cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Phong, mục đích của các quy định pháp luật không phải là để thu tiền phạt. Việc đánh mạnh vào túi tiền của người vi phạm có tác dụng nhưng đó không phải là phương án duy nhất hoặc là phương án tối ưu nhất. Ý thức người dân được nâng lên qua một quá trình áp dụng luật mới là điều quan trọng và khi đã “chín mùi” với nhiều yếu tố khác có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Về  việc vấn đề đề xuất này sẽ làm người dân chủ quan, giảm mức độ chấp hành khi tham gia giao thông, Luật sư Phong cho rằng rất khó có chuyện người điều khiển phương tiện sẽ chủ quan hơn bởi vì rõ ràng là vẫn bị phạt.

“Vấn đề không phải là phạt ít hay nhiều mà là sự bất tiện khi bị giữ giấy phép lái xe và bây giờ còn thêm trừ điểm giấy phép lái xe. Thậm chí, tôi còn từng nghĩ trừ nặng điểm giấy phép lái xe còn hiệu quả hơn phạt tiền”, ông Phong cho ý kiến.

Ngoài ra, theo Luật sư Đào Tiến Phong, ý thức người dân đã thực sự được nâng cao trong việc không sử dụng rượu bia khi lái xe. Hiện nay, việc “ép” người khác uống cũng đã rất ít xảy ra. Do đó, ông Phong tin rằng tình hình chấp hành luật lệ giao thông sẽ ngày càng tốt hơn thời gian trước chứ không giảm đi.

Dưới góc độ người tham gia giao thông, anh Nguyễn Đinh Nhật Quí (28 tuổi), Chuyên viên pháp lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Tư vấn Trust Law, đồng tình với đề xuất giảm tiền phạt đối với vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên mức giảm không nên xuống quá thấp và đột ngột vì sẽ không đủ tính răn đe đối với người tham gia giao thông.

Kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thành phố Cần Thơ, chị Anh Thư (27 tuổi) cho biết hiện nay khi khách hàng đến quán chị và nếu có uống rượu bia sẽ rất ít khi chạy xe, đa phần khách hàng sẽ đi phương tiện như taxi, grab,…Chị Thư cho rằng đề xuất giảm mức phạt này là hợp lý nhưng cần những biện pháp xử lý nghiêm hơn nếu gây ra tai nạn.

 

Tại dự thảo, Bộ Công an cũng đề xuất giữ nguyên mức xử phạt đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy người điều khiển xe thô sơ khác trong trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng) và trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng).

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy người điều khiển xe thô sơ khác trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.