13:19 16/10/2024

Đề xuất giãn thời gian áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn

Ngọc Lan

Tại phiên thảo luận về chuyên đề "Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn" do VEPR phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ngày 15/10, các chuyên gia cho rằng nên lựa chọn phương án và lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp...

Phiên thảo luận về Cải cách Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (Ảnh: VEPR).
Phiên thảo luận về Cải cách Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (Ảnh: VEPR).

Tại phiên thảo luận nói trên, các chuyên gia cho rằng sau 8 năm, kể từ lần sửa đổi gần nhất vào 2016, năm nay, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025. Đáng chú ý tại dự thảo này, về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định áp thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030. 

Hiện ngành đồ uống đang đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 60 nghìn tỷ/năm – khoảng 3% tổng thu ngân sách. Để tìm được điểm cân bằng, hài hoà lợi ích các bên và tối ưu cho nền kinh tế là điều mà các nhà hoạch định chính sách đang trăn trở trong quá trình xây dựng các chính sách tài khoá như Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt.

HAI PHƯƠNG ÁN ĐÁNH THUẾ VỚI ĐỒ UỐNG CÓ CỒN 

Theo Dự thảo, đối với bia và rượu trên 20 độ, phương án 1 đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 70% vào năm 2026 và mỗi năm sau đó đều đặn tăng thêm 5% để đạt mức thuế suất 90% vào năm 2030. Phương án 2 đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 80% ngay từ 2026 và mỗi năm tăng đều đặn 5% để lên mức 100% vào 2030.

Đối với rượu dưới 20 độ, phương án 1 đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 40% vào năm 2026 và tăng lên 60% vào năm 2030. Phương án 2 đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 50% vào năm 2026 và tăng lên 70% vào năm 2030.

Hiện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang thực hiện nghiên cứu để đánh giá tác động của việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có với ngành đồ uống có cồn. 

Tại phiên thảo luận về chuyên đề "Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ngày 15/10, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM cho biết đối với bia và rượu trên 20 độ, theo phương án 1 từ Bộ Tài chính, giá trị gia tăng của ngành bia sẽ giảm 1.163 tỷ đồng vào năm 2026. Trong khi đó, phương án 2 với mức tăng thuế 80% dẫn đến giảm 3.000 tỷ đồng.

 

"Những con số này cho thấy sự giảm sút đáng kể trong giá trị sản xuất và lợi nhuận của ngành, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động. Cần xem xét bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp cũng như kinh tế của người dân để có phương án phù hợp".
TS. Nguyễn Minh Thảo, Viện CIEM

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhất trí với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn nhưng cần nghiên cứu kỹ mức tăng và lộ trình để doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn.

Còn theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Deloitte, mỗi quốc gia trên thế giới có mục tiêu chính sách thuế khác nhau.

"Hai phương án đề xuất như hiện tại của Bộ Tài chính chưa có những phân tích rộng hơn về ảnh hưởng đến môi trường chung trong chuỗi giá trị mà nó ảnh hưởng, lan tỏa đến các ngành khác nhau, đặc biệt ngành về dịch vụ, khách sạn," ông Tuấn cho biết. "Việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có một giải pháp toàn diện, cân nhắc lợi ích của nhiều bên. Chúng ta cần tìm ra một giải pháp tối ưu, vừa đảm bảo mục tiêu tăng thu ngân sách, vừa hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng."

ĐỀ XUẤT GIÃN THỜI GIAN ÁP DỤNG TĂNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT 

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA), các tác động kéo dài hậu Covid-19 và việc thực thi quyết liệt Nghị định 100 xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe mặc dù tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội nhưng đồng thời cũng tạo ra tác động kép khiến các doanh nghiệp rượu bia bị thiệt hại nặng nề.

Gần đây, các xung đột địa chính trị thế giới kéo giá nguyên nhiên liệu, chi phí logistics tăng đột biến khiến doanh thu ngành bia rượu sụt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy, cắt giảm hàng nghìn lao động, tạo sức ép lớn lên ngân sách địa phương và an sinh xã hội.

Trước thực trạng này, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) đề xuất giãn thời gian áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 1 năm và giảm mức thuế suất tối đa là 80% vào năm 2031 thay vì 100% như đề xuất của Bộ Tài chính.

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đều có cùng quan điểm về việc nên giãn thời gian áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bà Cúc khuyến cáo rằng nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá nhanh và sốc có thể khiến doanh nghiệp không thể sắp xếp lại sản xuất kinh doanh. Cùng với đó khi giá thành tăng, người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các loại sản phẩm bia cỏ, rượu tự làm không đảm bảo, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. 

 

Có thể theo phương án năm đầu tăng thuế suất 5% nhưng các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm.

Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam

Ngoài ra, cũng theo bà Cúc, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp khác như thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phải có các biện pháp quyết liệt chống hàng nhập lậu và đưa vào diện quản lý nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu trong dân, sản xuất rượu không có đăng ký kinh doanh, không đảm bảo chất lượng dễ gây ngộ độc, chết người, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, trật tự, an sinh xã hội. 

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho hay, trong giai đoạn vừa qua các doanh nghiệp rượu, bia đang chịu tác động mạnh của Covid-19, việc kiểm soát nồng độ cồn và cạnh tranh gay gắt.

"Cần ban hành luật sớm nhưng thời điểm áp dụng chậm hơn. Mỗi một lần tăng nên ở mức tương đối và khoảng cách thời gian tăng phải đủ để người tiêu dùng thích nghi, thay đổi hành vi tiêu dùng, còn doanh nghiệp có cơ hội chuyển đổi sản xuất kinh doanh. Điều đó có thể giúp đạt được 3 mục tiêu thay đổi hành vi người tiêu dùng, nhà sản xuất cũng như thu ngân sách nhà nước", ông Cường nói. 

Trong khi đó, ông Tuấn chỉ ra rằng, tại Úc từ năm 2010 có điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hàng năm với tỷ trọng nhỏ, dựa trên chỉ số giá tiêu dùng. Với phương án đó, người tiêu dùng chấp nhận tăng giá, nếu đắt quá họ không sử dụng sảm phẩm đồng thời cũng đảm bảo mục tiêu thu ngân sách.

Theo ông Tuấn, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần nghiên cứu kỹ tác động của các phương án về lộ trình tăng, phương pháp tính thuế. Ông Tuấn cũng gợi ý có thể đánh thuế theo phương pháp hỗn hợp nhưng phải dựa vào số liệu thống kê rộng rãi có ảnh hưởng trong xã hội hoặc đánh thuế theo tỷ lệ nồng độ cồn trong sản phẩm.