09:44 25/05/2023

Đề xuất giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư đường liên vùng kết nối 3 địa phương gần 2.000 tỷ đồng

Anh Tú

Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua các cơ chế đặc biệt áp dụng cho dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa, kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Theo đó, đề xuất giao dự án cho UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư theo dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý...

Đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng dài 56,9 km có tổng mức đầu tư 1.929,882 tỷ đồng.
Đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng dài 56,9 km có tổng mức đầu tư 1.929,882 tỷ đồng.

Tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa, kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án, vì việc đầu tư dự án sẽ hình thành tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh và được xác định trong danh mục các dự án ưu tiên của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự án cũng phá vỡ thế độc đạo về giao thông đường bộ giữa huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), tạo điều kiện và khả năng kết nối liên vùng giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Việc đầu tư dự án cũng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy giao thương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của hai huyện miền núi trong số 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh trên cả nước, với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo trên 45%.

Dự án cũng tạo điều kiện chủ động về cứu hộ cứu nạn, tăng cường an ninh, quốc phòng, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc cho khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn.

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, hồ sơ dự án đáp ứng các yêu cầu tại Điều 20 Luật Đầu tư công và Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư; đáp ứng yêu cầu đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo Điều 19, Điều 20 Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Tuy nhiên, theo tờ trình của Chính phủ, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, với quy mô, tính chất, mặt bằng thi công, hướng tuyến và khối lượng đền bù hỗ trợ, tái định cư của dự án, nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào Kỳ họp thứ 5 và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thì tiến độ thực hiện dự án theo tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp.

Do đó, "Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian xây dựng, cân nhắc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án phù hợp với tiến độ giải ngân vốn", Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị .

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên, có quy mô chỉ tương đương nhóm A. Trong khi đó, tỉnh Khánh Hòa có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn.

Trong thời gian qua, cũng có một số dự án được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư Dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư dự án thành phần 1 của dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 

Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

 

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa, kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận dài 56,9 km là 1.929,882 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giai đoạn 202 1- 2025 là 1.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2030 là 930 tỷ đồng. Nhu cầu sử dụng đất: khoảng 128,96 ha và chuyển mục đích sử dụng rừng 75,58 ha (gồm: 32,88 ha đất rừng đặc dụng; 27,07 ha đất rừng phòng hộ).

Thời gian thực hiện dự án theo đề xuất của Chính phủ là từ năm 2022 đến năm 2027. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội thông qua các cơ chế đặc biệt áp dụng cho dự án thông qua việc giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định pháp luật về đầu tư công.