17:11 16/05/2023

Giao thông mở lối và kết nối các cực tăng trưởng, đưa địa phương thoát "vùng trũng" chậm phát triển

Ánh Tuyết

Phát huy tiềm năng, lợi thế và tập trung nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông giúp các địa phương như Bắc Giang, Khánh Hoà... mở ra không gian phát triển mới, gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh trong vùng để trở thành một trong những cực tăng trưởng mới và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước...

Giao thông phát triển sẽ giúp Bắc Giang cũng như vùng trung du và miền núi bắc bộ thoát khỏi "vùng trũng" chậm phát triển, "lõi nghèo" của cả nước.
Giao thông phát triển sẽ giúp Bắc Giang cũng như vùng trung du và miền núi bắc bộ thoát khỏi "vùng trũng" chậm phát triển, "lõi nghèo" của cả nước.

Ngày 16/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề: “Phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh, bền vững”.

TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN VÙNG, MỞ RA KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI

Chia sẻ tại hội thảo, lãnh đạo các tỉnh, thành đều đề xuất việc đẩy mạnh liên kết vùng, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, phát huy vai trò, vị thế của địa phương trong khu vực động lực của vùng; cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng...

Từ góc độ địa phương, bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang, cho biết những năm vừa qua, tỉnh Bắc Giang phát huy lợi thế, tận dụng tốt thời cơ đẩy mạnh phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực như: tốc độ tăng trưởng GRDP 10 năm gần đây tăng bình quân 13,7%/năm, trong đó, năm 2022 đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước...

"Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang Thường xuyên duy trì trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI", bà Hồng thông tin.

Tuy nhiên, liên kết vùng, hạ tầng giao thông khó khăn là một trong những hạn chế lớn nhất đang cản trở sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Để khắc phục những khó khăn kể trên và "bật sáng" tiềm năng tăng trưởng,  Bắc Giang sẽ tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các biện pháp để phát triển địa phương. 

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm là  phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tăng cường liên kết vùng và mở ra không gian phát triển mới.

Tỉnh Bắc Giang có vị trí chiến lược quan trọng trong mạng lưới giao thông của vùng, nằm trong vùng thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Vì vậy, tỉnh Bắc Giang đang phối hợp chặt chẽ với 6 tỉnh, thành phố giáp ranh gồm Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, đồng loạt triển khai đầu tư nhiều tuyến đường kết nối liên tỉnh quan trọng, thúc đẩy liên kết vùng, liên vùng.

Theo đó, Bắc Giang phối hợp với thành phố Hà Nội đầu tư hoàn thiện tuyến đường vành đai 4 để kết nối thuận tiện kết nối với sân bay Nội Bài, phối hợp với tỉnh Hải Dương để tiếp cận cảng nước sâu Cái Lân, tích cực phối hợp với tỉnh Thái Nguyên đầu tư tuyến đường vành đai 5 Hà Nội kết nối cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

"Tỉnh Bắc Giang rất mong các tỉnh trong vùng quan tâm phối hợp đầu tư các tuyến giao thông kết nối liên tỉnh, tránh tình trạng tình này đã làm xong nhưng tỉnh kia chưa thực hiện, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn lực", bà Hồng nhấn mạnh.

Cùng với đường bộ, tỉnh Bắc Giang cũng tập trung đẩy mạnh phát triển giao thông đường thủy, đường sắt để giảm áp lực cho đường bộ và giảm chi phí vận tải.

Ngoài ra, Bắc Giang bổ sung 23 khu công nghiệp, 24 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 7.000 ha, gấp hơn hai lần hiện nay nhằm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp cho đến năm 2030.

Nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh Nam Trung bộ, tỉnh Khánh Hòa có các cảng biển nước sâu dễ dàng tiếp cận với tuyến giao thương sôi động nhất thế giới trên biển Đông, sân bay quốc tế Cam Ranh có lưu lượng khách quốc tế đứng thứ ba cả nước và là cửa ngõ giao thông đường hàng không quan trọng cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Với có chiều dài bờ biển hơn 200km và có ba vịnh lớn được đánh giá là những vị đẹp của thế giới, cùng khí hậu ôn hòa... trở thành những điều kiện thuận lợi để tỉnh Khánh Hòa mở rộng thị trường du lịch, giao lưu kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, khu vực và quốc tế. Đặc biệt, gần đây, Khánh Hoà được hưởng những cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù để tạo đà phát triển.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội, sắp xếp đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính hợp lý và là cơ sở để Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương, phát huy vai trò là trung tâm vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ có 2 đô thị loại một là thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm, 1 đô thị loại hai (thành phố Cam Ranh), 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V.

Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân, thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp, thị xã Khánh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện diên khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các kiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Theo đó, thời gian tới, Khánh Hoà sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. 

 

"Đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối các cực tăng trưởng như: đường bộ ven biển đoạn qua Khánh Hòa, đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm đồng, tuyến đường từ sân bay tuy Hòa vì Bắc Vân Phong, tạo trục kinh tế động lực chính của vùng", lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà nhấn mạnh.

Sắp tới sẽ triển khai các dự án đường bộ cao tốc kết nối Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên khương (Lâm Đồng), đoạn Vân Phong - Nha Trang, đoạn Chí Thạnh (Phú Yên) - Vân Phong (Khánh Hòa), mở rộng cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong.

Cùng với đó, đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các khu công trình hạ tầng thiết yếu trong khu kinh tế Vân Phong, sớm đưa khu kinh tế trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại...

Nhờ việc phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế sẽ đưa tỉnh Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững với công nghiệp, cảng biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển, dịch vụ vận tải biển - hàng không, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản có quy mô lớn là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp quốc phòng phải dịch vụ logistics, kinh tế số là đột phá; du lịch là kinh tế mũi nhọn...

XUYÊN SUỐT QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ NHANH, BỀN VỮNG

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế nhanh, bền vững đã và đang trở thành xu thế được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Trải qua 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quan điểm lãnh đạo phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Đảng vẫn luôn xuyên suốt và được phát triển qua các thời kỳ.

Nhờ đó, "việc phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Cụ thể, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện không ngừng, sự nghiệp xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả rõ rệt và được thế giới thừa nhận, việc bảo vệ môi trường được "quan tâm và có nhiều cải thiện, dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, quốc phòng an ninh được giữ vững, chính trị xã hội ổn định", ông Tiến cho hay.

Đặc biệt, sau gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả nước vượt qua khó khăn thách thức, đạt được một số kết quả bước đầu, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành tựu chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng và những mốc son về kinh tế, theo ghi nhận, trong quá trình phát triển, còn nhiều "điểm nghẽn" cần tháo gỡ như: việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực còn chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí. Việt Nam có năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực.

Cùng với đó, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả. Diện tích đất sử dụng kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng còn lớn; một số địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đất bị hoang hóa, bị lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và gây thất thu ngân sách nhà nước...

Vì vậy, chia sẻ tại hội thảo, nhiều giải pháp từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp nhà nước cũng như các địa phương được gợi mở, đề xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội để hiện thực, hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường; phát triển nhanh, bền vững đất nước.