15:56 26/12/2022

Đề xuất gói hỗ trợ cho lao động mất việc ở doanh nghiệp giảm đơn hàng

Nhật Dương

Các bộ, ngành đang nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn bị ảnh hưởng đơn hàng, lao động mất việc. Chính sách sẽ đảm bảo sử dụng ngân sách đúng quy định, nhưng cũng cần thuận lợi để các đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận…

Hiện cơ bản các doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi, nhưng cuối năm 2022 ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp.
Hiện cơ bản các doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi, nhưng cuối năm 2022 ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp.

Thông tin được đại diện các bộ, ngành nêu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (gói 26.000 tỷ đồng), do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, ngày 26/12.

DOANH NGHIỆP KHÓ TIẾP CẬN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ

Báo cáo kết quả triển khai chính sách sau hơn 1 năm thực hiện, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho khoảng 36,4 triệu người lao động, 394.000 đơn vị sử dụng lao động và 508.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng. 

Trong 12 chính sách, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động là chính sách có mức độ triển khai thấp nhất. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội, tính đến ngày 19/7/2022, mới chỉ tiếp nhận và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho 66 đơn vị sử dụng lao động để đào tạo cho 8.230 người lao động với số tiền là 38,87 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Huy Hưng cho rằng, nguyên nhân của việc giải ngân thấp là do điều kiện xét hưởng khá chặt; thời điểm thực hiện chính sách diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội nên các hoạt động đào tạo không thực hiện được. “Sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp tập trung sử dụng lao động cho phục hồi sản xuất, kinh doanh nên không thể bố trí lao động để đào tạo lại”, ông Hưng lí giải.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, chính sách này triển khai tại doanh nghiệp còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến tiêu chí thụ hưởng, thời gian thực hiện. Trong điều kiện có thể không kéo dài thêm việc thực hiện Nghị quyết 68, đại diện VCCI kiến nghị nên chăng xem xét, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phù hợp liên quan đến việc hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Trong quá trình tham gia trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ thụ hưởng chính sách, đơn vị này nhận thấy, còn có nguyên nhân là nhu cầu về nguồn lao động của doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn cần nhanh, vị trí việc làm phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc xây dựng phương án đào tạo về thời gian, vị trí việc làm đối với doanh nghiệp chưa thực sự phù hợp; điều kiện, tiêu chuẩn đưa ra để thụ hưởng cũng còn những bất cập.  

“Có rất nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị hồ sơ trong vòng 6 tháng nhưng đến giai đoạn để nhận được nguồn hỗ trợ lại xin rút hồ sơ, do đó chúng tôi nghĩ không phải chính sách của chúng ta gây khó, nhưng có thể trong quá trình thực hiện tiêu chí quy định chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp”, bà Vi Thị Hồng Minh bộc bạch.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Nguyễn Sơn. 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - Nguyễn Sơn. 

Một chính sách khác cũng được doanh nghiệp rất quan tâm theo bà Minh là hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động. Hiện nay, qua nắm bắt tình hình doanh nghiệp tại một số địa phương, mặc dù có doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động, nhưng nhìn chung bức tranh tổng thể có thể thấy chưa nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng như giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, theo bà Minh, có thể trong quý 1, quý 2/2023 doanh nghiệp vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng.

“Vì vậy, chúng tôi mong muốn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% để những doanh nghiệp có phương án cắt giảm trả lương, giữ chân lao động; kết nối nguồn hỗ trợ này với chính sách hỗ trợ đào tạo lao động. Giai đoạn doanh nghiệp phải cho lao động ngừng việc chính là thời điểm phù hợp để tổ chức đào tạo lại, chờ phục hồi sản xuất”, bà Minh nhấn mạnh.

NGHIÊN CỨU GÓI HỖ TRỢ MỚI, DỄ TIẾP CẬN

Trước những băn khoăn, vướng mắc của đại diện doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trong giai đoạn đầu, có nội dung chính sách còn chưa sát thực tiễn nên phải sửa đổi, bổ sung do yêu cầu xây dựng nhanh. Nhiều nội dung chính sách chưa có tiền lệ và trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, dẫn tới việc đánh giá tác động chính sách, dự liệu đối tượng, nguồn lực triển khai một số chính sách chưa thực sự phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thông tin tại hội nghị. Ảnh - Nguyễn Sơn.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thông tin tại hội nghị. Ảnh - Nguyễn Sơn.

Song theo ông Thanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời; điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ được thiết kế đơn giản, linh hoạt. "Kết quả đã thực hiện hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Hiện cơ bản các doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi, nhưng cuối năm 2022 ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp, một số lao động phải tạm hoãn hợp đồng, mất việc. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, lao động bị ảnh hưởng mất việc làm.

“Quan trọng là phải xác định đối tượng hỗ trợ thế nào, cách thức tổ chức ra sao cho hiệu quả, giảm thủ tục hành chính nhiều nhất. Chính sách phải đảm bảo sử dụng ngân sách đúng quy định của pháp luật nhưng cũng vừa thuận lợi trong thực hiện để người dân dễ tiếp cận nhanh, đó là cái khó cần phải bàn để thời gian tới làm tốt hơn”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Dẫn số liệu công đoàn thống kê khoảng nửa triệu lao động tại hơn 1.200 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng việc làm bởi doanh nghiệp khó khăn, giảm đơn hàng, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói cần quan tâm đến nhóm lao động này.

“Thống kê số lao động bị chấm dứt hợp đồng không quá lớn so với số bị ảnh hưởng do giảm giờ làm, nghỉ luân phiên. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành nên chăng tiếp tục đề xuất Chính phủ có chính sách hay một nghị quyết giống như Nghị quyết 68 dù có thể nội dung, đối tượng thụ hưởng khác hơn để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do giảm đơn hàng”, ông Phan Văn Anh nêu ý kiến.

Về phía tổ chức công đoàn, ông Phan Văn Anh cho biết, cơ quan này cũng đang nghiên cứu để có gói hỗ trợ thêm cho đoàn viên, người lao động bị giảm việc, mất việc làm. Song trong bối cảnh khó khăn chung, đại diện tổ chức công đoàn kiến nghị các bộ, ngành cùng tính toán để xây dựng, trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ thêm, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.