13:10 09/12/2022

Thu nhập không đủ sống, công nhân khó "cầm cự" khi mất việc

Phúc Minh

Gần 60% người lao động không có tích luỹ một đồng nào, vì thế nếu bị mất việc họ khó có thể cầm cự, thậm chí chỉ "tuần trước mất việc, ngay tuần sau đã không cầm cự được", theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm thực trạng lao động khi doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng chiều 8/12, Viện trưởng Công nhân Công đoàn Vũ Minh Tiến cho biết khảo sát thực hiện trong tháng 11 với trên 6.200 công nhân ở trên cả ba miền.

KHOẢNG 500.000 NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG VIỆC LÀM

Thông tin về tình hình đời sống, việc làm của người lao động trong bối cảnh hiện nay, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết thống kê chưa đầy đủ từ công đoàn cơ sở, tính đến ngày 7/12, có khoảng 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc.

Đáng chú ý, trong tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm, có khoảng 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi; 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang thai.

Viện Công nhân và Công đoàn đã tiến hành khảo sát về đời sống, thu nhập của người lao động trong tháng 10 và tháng 11/2022 với hơn 6.200 công nhân. Kết quả được ông Tiến thông tin rằng trong trường hợp nếu mất việc thì chỉ 11,7% người lao động có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được từ 1 - 3 tháng và 12,7% cầm cự được trên 3 tháng.

Khảo sát cũng cho thấy, có 42% người lao động không có nhà; 54% không có đất ở; đặc biệt có đến 59% người lao động không có tích luỹ một đồng nào; 11,7% có tích luỹ nhưng chỉ duy trì được dưới 1 tháng, 16,7% có tích luỹ, duy trì từ 1-3 tháng; chỉ 12,7% có tích luỹ, có thể cầm cự trên 3 tháng.

“Công nhân lao động chỉ tuần trước mất việc, tuần này đã không cầm cự được, như vậy rất là bi đát. Ngoài ra, có đến 38% công nhân đang nợ nần, trong số này có 14% rất khó khăn để trả nợ đúng hạn”, ông Tiến thông tin.

THU NHẬP CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ SỤT GIẢM MẠNH

Không chỉ khó khăn về việc làm, người lao động cũng phải đối mặt với tình trạng giãn việc, giảm giờ làm khiến thu nhập của người lao động bị sụt giảm mạnh. Ông Nhạc Văn Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nói thêm rằng, kết quả khảo sát của đơn vị này ghi nhận sự sụt giảm giờ làm việc đáng kể của người lao động ở hầu hết các ngành nghề trong khu công nghiệp. Theo đó, thời gian làm việc bình thường của người lao động giảm còn 7,25 giờ mỗi ngày thay vì 8 giờ như quy định và không làm thêm giờ.

Về thu nhập, nếu như số liệu của Tổng cục Thống kê trong quý 3/2022 mức thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 6,7 triệu đồng/người, thì khảo sát của đơn vị này tại thời điểm tháng 10 và tháng 11 giảm chỉ còn 5,9 triệu đồng/người.

Song ông Linh nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là số thu nhập và số chi tiêu của người lao động đã phản ánh thu nhập không đủ sống của họ. “Tổng thu nhập chúng tôi khảo sát khi cộng các khoản lương, phụ cấp của người lao động khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu mà người lao động phải chi ra cho đời sống một tháng khoảng 10,3 triệu đồng. Tức là mức thu nhập chỉ bằng 84% của mức chi tiêu. Điều này phản ánh rằng đời sống của người lao động cực kỳ khó khăn”, ông Linh dẫn chứng.

Khó khăn về việc làm, thu nhập khiến có 18% người lao động đã từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Việc sụt giảm giờ làm thêm của công nhân cũng được ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội khẳng định là đang diễn ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn, thậm chí ông Thắng cho rằng, trên thực tế, mức tích lũy cua công nhân có thể rất thấp hơn cả số liệu được khảo sát.

Đơn cử tại Hà Nội, thời điểm này của các năm trước người lao động thường phải tăng ca để đảm bảo các đơn hàng nhưng hiện nay việc tăng ca không còn. Thu nhập của người lao động vì thế sụt giảm, không đạt được mức 8 – 9 triệu đồng như thời còn tăng ca.

Thu nhập giảm, cộng với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là sau khi trả qua 4 đợt giãn cách xã hội để phòng dịch, ông Thắng cho rằng, Hà Nội đã có sự dịch chuyển lao động về quê. Khảo sát của công đoàn Hà Nội ghi nhận tình trạng công nhân tại các khu nhà trọ đã trả phòng về quê. Theo ông Thắng, dù mức thu nhập tại các vùng có thể thấp hơn nhưng bù lại người lao động phải trả các chi phí thấp hơn, tiền thuê nhà cũng rẻ hơn.

Trước những thực tế trên, để hỗ trợ cho người lao động trong bối cảnh giảm việc làm, thu nhập, ông Thắng đề xuất cần tăng cường các giải pháp kiểm soát giá cả, không để lạm phát tăng cao, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu với công nhân lao động.

Các giải pháp khác cũng được Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội đề cập nữa là tăng cường thanh, kiểm tra pháp luật lao động tại doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho lao động.

Với Chính phủ, kiến nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại để nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Cùng với đó, thực hiện tiếp các chính sách đã ban hành như giảm thuế, giãn thuế, hỗ trợ lãi suất, cho vay vốn để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, qua đó tạo việc làm cho người lao động….