Đề xuất hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp ứng phó "sốt giá" và tác động của Covid-19
Trước đà tăng giá bất thường của thịt lợn và ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói ngân sách trị giá 8.600 tỷ đồng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Do yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện nay đang phát sinh một số yếu tố và yêu cầu mới như giá thịt lợn trong nước tăng cao gấp 4-5 lần so với giá thịt lợn tại Mỹ, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, chế biến nông sản và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) đã bắt đầu có hiệu lực và tạo ra sân chơi mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là cần thiết.
ĐỊA PHƯƠNG CHƯA BỐ TRÍ ĐƯỢC VỐN
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn dự kiến được giao kế hoạch trung hạn từ ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 là hơn 300 tỷ đồng, bố trí cho 24 địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình bố trí vốn hàng năm, do ngân sách trung ương bố trí không đủ theo kế hoạch trung hạn, hơn nữa các công trình kết cấu hạ tầng của địa phương thu hút nguốn vốn lớn, dẫn đến nguồn vốn ngân sách trung ương được bố trí thực hiện theo Nghị định 57/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chỉ còn hơn 113,5 tỷ đồng, cho 31 dự án tại 15 địa phương, đạt trung bình 3,7 tỷ đồng/dự án.
“Do ngân sách địa phương hầu hết khó khăn nên chưa bố trí vốn hoặc bố trí vốn để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là rất ít”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù có 40 địa phương ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, danh mục dự án khuyến khích đầu tư hay định mức hỗ trợ chi tiết nhưng chưa có địa phương nào ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy tập trung đất đai theo Nghị định 57/2018.
“Việc ban hành các cơ chế chính sách triển khai Nghị định 57/2018 còn chậm một phần do sự thiếu chủ động của các địa phương. Một phần do các chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn có nhiều tại các địa phương do đó khi xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp cần phải rà soát các chính sách đang triển khai tại địa phương để đề xuất phương thức và mức hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp nông nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
GẦN 9.000 TỶ ĐỒNG CHO GIAI ĐOẠN 5 NĂM
Từ thực tiễn trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc rà soát, điều chỉnh những bất cập của Nghị định này để việc thực hiện đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành thời gian gần đây như Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 là cần thiết.
Ngoài ra, việc xây dựng một nghị định mới thay thế Nghị định 57/2018 là cần thiết nhằm kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, các yếu tố tác động lớn đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đó là giá thịt lợn trong nước tăng cao nhất thường, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông sản và hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đã có hiệu lực…
Việc hỗ trợ doanh nghiệp trập trung vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp bao gồm: Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp từ địa phương cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 107.000 tỷ đồng trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dự kiến 8.600 tỷ đồng (tương đương 8%) để thực hiện khoảng 800 dự án.
Nếu dự kiến hỗ trợ 1.000 tỷ đồng/năm từ ngân sách nhà nước, với mức hỗ trợ là 10 tỷ đồng/dự án (gấp gần 3 lần so với hiện tại), mỗi năm sẽ hình thành được 100 dự án. Như vậy, nếu dự kiến mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước giai đoạn này là 10%, sẽ thu hút được khoảng 9.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ mang đến nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, với giả thiết 100 doanh nghiệp nông nghiệp được hình thành mỗi năm và mỗi dự án được đầu tư có quy mô khoảng 100 tỷ đồng sẽ tạo ra ít nhất 10.000 việc làm trực tiếp và 30.000 lao động gián tiếp.
Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm nông nghiệp trong vùng dự án trên địa bàn, tăng hiệu quả vốn đầu tư của ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn góp phần chuyển dịch nhanh hơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp.