10:54 28/10/2024

Đề xuất không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức

Đỗ Như

Theo quan điểm của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong Dự thảo Luật Nhà giáo, bản trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật còn quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, bao gồm: không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định...

Một trong những điểm đáng chú ý và còn có các ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Nhà giáo là quy định về việc có nên công khai hay không các thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.

Có ý kiến cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo. 

Theo quan điểm của Bộ Giáo dục Đào tạo quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định.

Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.

Điều 43 Dự thảo quy định việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo như sau: 

Việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật đối với viên chức và các quy định khác có liên quan.

Việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật đối với người lao động, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục và các quy định khác có liên quan.

Việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo không được ảnh hưởng đến hoạt động học tập của người học. Quá trình xem xét xử lý kỷ luật nhà giáo phải bảo đảm tính nhân văn, giữ gìn hình ảnh, uy tín của nhà giáo và quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Luật này.

Về việc tạm đình chỉ giảng dạy, trong thời hạn xem xét xử lý kỷ luật, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định tạm đình chỉ giảng dạy đối với nhà giáo nếu việc nhà giáo tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật hoặc ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo.

Trường hợp người đứng đầu cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận người đứng đầu cơ sở giáo dục ra quyết định tạm đình chỉ.

Đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, thời gian tạm đình chỉ giảng dạy, tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ giảng dạy thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức đối với trường hợp tạm đình chỉ công tác.

Đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo là người nước ngoài, thời gian tạm đình chỉ giảng dạy, tiền lương trong thời gian tạm đình chỉ giảng dạy thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động đối với trường hợp tạm đình chỉ công việc.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật Nhà giáo giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo. Dự thảo Luật quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.