07:00 01/01/2024

Đề xuất ngân hàng mua trái phiếu không được dùng tiền mặt và có thể mua lại ngay sau khi bán

Trâm Anh

Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ quy định cấm các ngân hàng mua lại trái phiếu chưa niêm yết sau khi bán chưa đủ 12 tháng. Đồng thời, đề xuất các tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua trái phiếu...

Nhiều quy định góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp được triển khai.
Nhiều quy định góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp được triển khai.

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

THÁO GỠ KỊP THỜI VƯỚNG MẮC, KHƠI THÔNG DÒNG VỐN

Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN đến hết ngày 31/12/2023 để gia tăng thanh khoản, góp phần hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 

 

Thông tư 03/2023/TT-NHNN được ban hành trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cần có các giải pháp, quy định kịp thời từ nhiều phía để hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, Thông tư 03/2023/TT-NHNN phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP có mục tiêu tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư nhằm khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản chỉ đạo để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp như: Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 4/10/2023, tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN.

Tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, theo chức năng, thẩm quyền khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các thông tư, văn bản quy định có liên quan để chủ động, kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định, nhất là các cơ chế, chính sách hết hiệu lực trong năm 2023.

Từ đó, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng theo đúng quyết nghị của Chính phủ, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và quy định của pháp luật.

"Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN là cần thiết và cần được sớm ban hành nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay", Ngân hàng Nhà nước nhận định.

SỬA ĐỔI NHIỀU QUY ĐỊNH

Tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 16 để phù hợp với đặc thù hoạt động của các tổ chức tín dụng tham gia thực hiện chuyển giao bắt buộc.

Cụ thể, việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp giữa tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và tổ chức tín dụng hỗ trợ, tổ chức nhận chuyển giao bắt buộc thực hiện theo phương án phục hồi, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung khoản 14 Điều 4: Tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp cho doanh nghiệp phát hành, bên bán trái phiếu. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định này nhằm góp phần hỗ trợ theo dõi, giám sát tình hình sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng cường minh bạch thông tin, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững; đồng thời, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất bãi bỏ khoản 11 và khoản 12 Điều 4 Thông tư số 16.

Trong đó, khoản 11 quy định "Trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết), tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:

a) Đáp ứng các quy định khác tại Điều này;

b) Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu;

c) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp " (khoản 11 Điều 4 này đã được ngưng hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2023 theo quy định tại Thông tư 03/2023/TT-NHNN).

Hiện nay, sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được vận hành và các trái phiếu còn dư nợ phải đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) nhằm tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản cho các trái phiếu phát hành riêng lẻ. Bên cạnh đó, khi tổ chức tín dụng thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán, tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định khác tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN tương tự như khi tổ chức tín dụng mua lần đầu.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ quy định này tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN không cần phải kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành.

Dự thảo quy định về điều khoản chuyển tiếp nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng và khách hàng được tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng trên kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành chỉ được thực hiện khi nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Thông tư này.