22:40 31/05/2024

Để xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Đỗ Phong

Đề xuất phương án thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng: Sản xuất; hậu cần cảng- logistics; thương mại- dịch vụ. Việc phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 31/5/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Đà Nẵng.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 để sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5 CHÍNH SÁCH ĐỀ XUẤT MỚI THEO THỰC TẾ CỦA THÀNH PHỐ

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Nghị quyết đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.

Về các chính sách tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, trong 9 chính sách có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng và 2 chính sách đề xuất mới.

Các chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm (21chính sách). Trong 21 chính sách này có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, Thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đặc biệt trong 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố Đà Nẵng có chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do, trong khi đó đây là mô hình kinh tế phổ biến đã có trên 150 quốc gia, các quốc gia không ngừng điều chỉnh áp dụng thí điểm các cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ.

Tại Việt Nam, khu thương mại tự do chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, Việt Nam đã từng bước tiếp cận tới mô hình kinh tế này thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như: khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế… nhằm tiến tới thành lập khu thương mại tự do ở Việt Nam để hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới như EU, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…, tiếp cận có chọn lọc các chính sách ưu đãi đã thành công từ các mô hình kinh tế đã được triển khai trong nước, dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng: Sản xuất; hậu cần cảng- logistics; thương mại- dịch vụ.

Quy định các chính sách thí điểm tại khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, đảm bảo tính tuần tự, từng bước thí điểm kèm theo việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng cho phù hợp.

Để xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Ảnh 1

Ông Dũng cho rằng việc phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.

Thứ hai, Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics.

Thứ ba, việc phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo thuận lợi trong phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Đối với vấn đề này, Dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm chính sách: Đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin từ nguồn ngân sách Thành phố phục vụ thu hút, phát triển vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI);

Cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá cho đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI. Được phép chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI; Chính sách ưu đãi, nội dung và mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để phục vụ phát triển lĩnh vi mạch bán dẫn, AI.

HĐND Thành phố quyết định hỗ trợ từ ngân sách Thành phố không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới của các nhà đầu tư chiến lược hoặc đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, AI trên địa bàn…

Thứ tư, đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ năm, tổ chức sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã đượcđầu tư từ nguồn vốn đầu tư công thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất.

TÁN THÀNH CHỦ TRƯƠNG THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP KHU THƯƠNG MẠI TỰ DO

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ qua tổng kết Nghị quyết số 43-NQ/TW và quá trình thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14 cho thấy, các quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, cần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của TP.Đà Nẵng thời gian tới.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 là đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Về nguyên tắc, Nghị quyết cần tập trung tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật; góp phần quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết và phạm vi chính sách, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần lưu ý một số quan điểm, khơi thông nguồn lực; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước; Bảo đảm tính đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW, song cũng cần khả thi, phù hợp với thực tiễn; phải thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng.

Về nhóm chính sách tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc có bổ sung, mở rộng thêm và một số chính sách mới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí về các nội dung này.

Đối với một số chính sách cụ thể, về thu hút đầu tư chiến lược, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với chủ trương cần có chính sách mạnh mẽ nhằm thu hút đầu tư, nhất là ở một số lĩnh vực phù hợp đặc thù TP.Đà Nẵng, song cũng nhận thấy theo dự thảo Nghị quyết thì: Đối tượng thu hút là các dự án quy mô vốn trung bình; Lĩnh vực, phạm vi ưu tiên thu hút tương đối rộng; Điều kiện cần đáp ứng khá đơn giản.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá tác động đối với ngân sách nhà nước để có thêm căn cứ, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định quy mô vốn đầu tư tương ứng với từng loại hình, rà soát danh mục ngành nghề ưu đãi, bảo đảm tính hợp lý, thuyết phục.

Về chủ trương thí điểm thành lập khu thương mại tự do, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý. Đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới; nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng và của cả vùng. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.

Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với chủ trương này. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chủ trương này của Bộ Chính trị, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ, quy định cụ thể về khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng… khu thương mại tự do; tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền...