Đề xuất xây cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn của Công Cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A. đang bắt đầu tiến trình thẩm định...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3549/BKHĐT-ĐTNN ngày 15/5/2023 về việc lấy ý kiến thẩm định về dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, gửi các bộ: Công an, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Uỷ ban nhân dân TP.HCM.
Vào ngày 06/4/2023, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Công ty Terminal Investment Limited Holding S.A, đã gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ đề nghị thực hiện dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cửa ngõ Sài Gòn, bao gồm đầu tư mới bến cảng, khu bến cảng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc bến cảng loại I và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư.
Vì vậy, căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Công văn số 3549 gửi đến 8 bộ, 1 đơn vị ngành là Ngân hàng Nhà nước và 1 cơ quan chính quyền là Ủy ban nhân dân TP.HCM. Đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho ý kiến về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho ý kiến về việc đáp ứng quy định của pháp luật về môi trường biển và hải đảo, giao khu vực biển cho tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên biển, việc đáp ứng các quy định của pháp luật về đất đai đối với dự án sử dụng khu vực biển, sự phù hợp của dự án với quy hoạch không gian biển quốc gia (nếu có).
Bộ Giao thông vận tải được đề nghị đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch cảng biển, sơ bộ tổng mức đầu tư, thiết kế sơ bộ của dự án, việc di dời cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận gắn với việc đầu tư dự án này.Trong khi đó, Bộ Xây dựng được đề nghị cho ý kiến về sơ bộ tổng mức đầu tư, thiết kế sơ bộ của dự án.
Về ảnh hưởng của dự án đối với các di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến về sự phù hợp của dự án với các di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa cũng như tác động của việc đầu tư xây dựng dự án tới du lịch TP.HCM (xét tổng thể việc với việc di dời cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận).
Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho biết ý kiến về nguồn vốn vay, hạn mức tín dụng của dự án.
Đặc biệt đối với chính quyền địa phương có dự án là Ủy ban nhân dân TP.HCM. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thành phố cho ý kiến về sự cần thiết phải đầu tư dự án đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Thành phố; đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội do dự án mang lại, cũng như tác động lan tỏa của dự án tới phát triển chung của Thành phố.
Chính quyền TP.HCM cũng được đề nghị cho ý kiến về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch liên quan theo quy định của pháp luật; hiện trạng khu vực dự kiến thực hiện dự án, việc lựa chọn nhà đầu tư, việc di dời cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận gắn với việc đầu tư dự án.
Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó quy định, đối với các cảng trên sông Sài Gòn được định hướng quy hoạch: Thực hiện di dời, chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP.HCM.
Đề án di dời cảng trên sông Sài Gòn khu vực cảng biển TP.HCM được thực hiện theo Quyết định số 791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/8/2005 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5, trong đó có nội dung di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son.