14:36 18/04/2023

Lập hội đồng thẩm định dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ hơn 217.000 tỷ đồng

Hoài Niệm

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) có tổng diện tích được phê duyệt 2.870 ha, với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng, vừa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM ký quyết định thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch...

Phối cảnh Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ theo quy hoạch được duyệt 2021. Ảnh: Sở QHKT TP.HCM.
Phối cảnh Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ theo quy hoạch được duyệt 2021. Ảnh: Sở QHKT TP.HCM.

Quyết định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi ký, thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Hội đồng thẩm định do ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM làm chủ tịch; các ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, làm phó chủ tịch. Hội đồng thẩm định còn có 14 ủy viên là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ và lãnh đạo các sở, ngành của TP.HCM.

Thành viên khách mời của Hội đồng thẩm định là đại diện của Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng); Vụ Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải); Bộ Tư lệnh Quân khu 7; Bộ Tư lệnh TP.HCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM, ông Đoàn Quang Sinh - Cục trưởng Cục Quản lý khai thác Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia góp ý, phản biện nội dung quy hoạch và các vấn đề liên quan khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Kết luận của hội đồng là một trong các cơ sở để cơ quan thẩm định tổng hợp và yêu cầu cơ pháp luật hiện hành, trình Uỷ ban nhân dân TP.HCM xem xét, quyết định.

Hội đồng thẩm định làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Uỷ ban nhân dân TP.HCM phê duyệt quy hoạch điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Năm 2018, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã có Quyết định số 3800/QĐ-UBND ngày 05/9/2018 phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM).

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng.

Ngày 09/12/2020, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 5889/BXD-QHKT gửi Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho ý kiến về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ.

Cụ thể, việc xác định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết, Bộ Xây dựng đề nghị Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM căn cứ Quyết định số 826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 3926/BTP-PLDSKT ngày 22/10/2020 về việc áp dụng pháp luật liên quan đến việc thực hiện dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ để tham mưu Ủy ban nhân dân TP.HCM thực hiện. 

Tháng 9/2022, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU (ngày 26/9/2022) về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Trong đó, xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Ngã ba sông Lò Rèn và sông Vàm Sát trong rừng ngập mặn Cần Giờ.
Ngã ba sông Lò Rèn và sông Vàm Sát trong rừng ngập mặn Cần Giờ.

Mục tiêu cụ thể: Tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của huyện tăng 20,7%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%...

Để thực hiện được các mục tiêu cụ thể nêu trên, TP.HCM xác định quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trước hết, triển khai hiệu quả chiến lược phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 - 2040 để Cần Giờ trở thành hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.

Từ khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (tháng 01/2020), lượng du khách đến Cần Giờ đã tăng rất mạnh, từ khoảng 500.000 lượt khách năm 2010 tăng lên xấp xỉ 2 triệu khách vào năm 2019. Trong các năm 2020 và 2021, hoạt động du lịch tại TP.HCM bị ngưng trệ vì Covid-19, trong đó có Cần Giờ. Đến nay, các hoạt động tour/tuyến đến các điểm du lịch nổi tiếng của Cần Giờ đã hoạt động lại bình thường.

 

Huyện Cần Giờ cách trung tâm TP.HCM độ 50 km, Rừng Sác cách trung tâm TP.HCM khoảng 60 km. Diện tích tự nhiên của huyện Cần Giờ là 704,45 km2 (70.445 ha), chiếm 1/3 tổng diện tích của TP.HCM (diện tích TP.HCM: 2.095 km2, tức 209.500 ha), dân số 71.526 người (năm 2019).