14:00 04/12/2023

Đề xuất xếp lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sỹ

Nhật Dương

Để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm, trong khi cử nhân chỉ học 4 năm, song khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau, theo Công đoàn Y tế Việt Nam...

Ảnh minh họa - Phương Thảo.
Ảnh minh họa - Phương Thảo.

Gửi tham luận đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam kiến nghị xếp lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sỹ, bác sỹ y học dự phòng.

CÓ CƠ CHẾ CHI LƯƠNG PHÙ HỢP CHO NHÂN LỰC NGÀNH Y 

Theo Công đoàn Y tế, ngành Y là ngành đặc thù, với trình độ và chất lượng lao động cao, để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm (trong đó 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp), trong khi cử nhân chỉ học 4 năm. Tuy nhiên, khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau.

Vì vậy, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

Đồng thời, cần có cơ chế chi lương phù hợp, áp dụng cơ chế tiền lương doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).

Bên cạnh đó, về phụ cấp trực, phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên nghề, Công đoàn Y tế đề xuất cần được tính vào lương mới để đảm bảo các chế độ đặc thù ngành Y tế là ngành được đãi ngộ đặc biệt theo Nghị quyết 20 và Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị.

Về phụ cấp trực, Công đoàn Y tế cho biết, hiện nay, mức phụ cấp của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quá thấp và không còn phù hợp.

Cụ thể, trực ngày thường được hưởng 18.750 đồng/ngày (16/24h); 25.000 đồng/ngày (trực 24/24) theo mức lương cơ sở áp dụng khi xây dựng năm 2011 là 830.000 đồng.

Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg điều chỉnh nâng mức phụ cấp trực theo mức chi phụ cấp trực tương ứng theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức phù hợp với mức lương tối thiểu mới từ 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng.

Về phụ cấp ưu đãi nghề, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng.

Tuy nhiên, hiệu lực của Nghị định chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2023. Vì vậy, Công đoàn Y tế đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn Nghị định và mở rộng đối với đối tượng y tế cơ sở hưởng phụ cấp. Các chế độ phụ cấp trực và ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được quy đổi để tính vào mức lương mới sẽ áp dụng từ 1/7/2024 đối với ngành y tế.

ĐỀ NGHỊ KHÔNG GIẢM BIÊN CHẾ VỚI NGHỀ ĐẶC THÙ 

Ngoài chế độ lương, phụ cấp, Công đoàn Y tế cũng đề xuất có chế độ thu hút nhân lực y tế đối với các ngành nghề đặc thù.

Trong đó, đối với các lĩnh vực, chuyên khoa đặc biệt trong ngành Y như Phong, Lao, Tâm thần, HIV/AIDS, Hồi sức cấp cứu, Giải phẫu bệnh...là những công việc có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ của cán bộ y tế, nhưng hiện nay chưa có cơ chế phù hợp trong thu hút đào tạo, sử dụng và đãi ngộ lực lượng lao động này.

Một số lĩnh vực, chuyên khoa đặc biệt trên sắp trở thành chuyên ngành không có nhân lực chất lượng cao, do đó cần có chính sách đặc biệt hấp dẫn để thu hút nhân lực trong các lĩnh vực, chuyên khoa này.

Cùng với đó, đề nghị không quy định giảm biên chế với nghề đặc thù. Bởi theo Công đoàn Y tế, hiện nay, mỗi năm có trên 1 triệu trẻ em ra đời, tỷ lệ người cao tuổi trong xã hội ngày càng tăng cao, cộng thêm nhiều bệnh và dịch bệnh mới xuất hiện, tình trạng quá tải cho các bệnh viện tăng, nếu giữ nguyên nguồn nhân lực y tế hiện tại đã không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao.

Tổ chức Y tế thế giới quy định 1 bác sĩ cần có 4 điều dưỡng hỗ trợ, còn tại Việt Nam tỷ lệ này là 1 bác sĩ/1,4 điều dưỡng, do đó, đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét quy định giảm biên chế hằng năm đối với ngành Y tế.

“Nếu giảm biên chế hàng năm như các ngành khác, thì chắc chắn nhân lực ngành Y tế không thể đáp ứng chất lượng khám, chữa bệnh. Như vậy, chất lượng đã không đảm bảo như hiện nay sẽ còn tiếp tục giảm sút”, Công đoàn Y tế lo ngại.

Bên cạnh đó, ngày 23/6/2023 vừa qua, Quốc hội yêu cầu giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý trung tâm y tế cấp huyện. Vì thế, một số địa phương có xu hướng trả trung tâm y tế huyện cho Liên đoàn Lao động huyện quản lý làm cho nhiều công đoàn ngành y tế các tỉnh/thành phố không đủ 2.000 đoàn viên sẽ bị giải thể.

Trước thực tế này, Công đoàn Y tế đề nghị Tổng Liên đoàn xem xét chỉ đạo chung hệ thống Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố toàn quốc thống nhất để công đoàn ngành Y tế các tỉnh vẫn tiếp tục được sinh hoạt theo ngành nghề và bổ sung cán bộ chuyên trách cho công đoàn ngành y tế các tỉnh/thành phố  cho phù hợp.