Đến 2020, báo điện tử tại Việt Nam sẽ là chủ lực
Khó khăn của nền kinh tế thế giới, trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến báo chí nước nhà
“Năm 2013, doanh thu của các cơ quan báo chí in có chiều hướng giảm đáng kể”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết tại hội nghị báo chí toàn quốc 2014, diễn ra tại Hà Nội, ngày 14/1.
Ông Hưng cho biết, đến hết tháng 12/2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí in (tăng 25 cơ quan); 92 báo, tạp chí điện tử (cấp mới 19 báo, tạp chí điện tử); 67 đài phát thanh, truyền hình; 1 hãng thông tấn quốc gia.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, khó khăn của nền kinh tế thế giới, trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến báo chí nước nhà.
Năm 2013, số bản báo in chỉ còn khoảng 836 triệu bản, trong khi đó, năm 2012, số bản phát hành của thể loại báo này trên thị trường là khoảng 850 triệu bản, giảm khoảng 14 triệu bản. Riêng với số bản tạp chí, phát thanh trên thị trường năm 2013 lại tăng 5,4% với 340,5 triệu bản.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, doanh thu quảng cáo của báo chí tuy có tăng nhưng với mức thấp, tập trung ở lĩnh vực truyền hình. Tổng doanh thu của báo in năm 2013 khoảng 4.100 tỷ đồng, giảm 0,8% so với 2012.
Đối với lĩnh vực phát thanh, truyền hình, doanh thu quảng cáo tiếp tục tăng nhưng không đều, trong đó chủ yếu doanh thu lớn từ Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Tp.HCM với doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ông Hưng cũng cho biết, doanh thu quảng cáo trên báo điện tử trong năm 2013 dù tăng chậm nhưng dự báo thời gian tới rất khả quan. Theo hướng quy hoạch báo chí đến năm 2020, đến năm 2020, báo điện tử sẽ là loại hình báo chí chủ lực của các cơ quan truyền thông Việt Nam. Quy hoạch cũng đưa đến sự sắp xếp lại các cơ quan báo in đang theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm.