12:09 27/12/2013

Dệt may Campuchia tê liệt vì đình công

An Huy

Đình công vẫn thường xảy ra trong ngành dệt may của Campuchia, nhưng đợt đình công lần này là lớn nhất kể từ đầu năm

Công nhân dệt may Campuchia biểu tình đòi tăng lương ở Phnom Penh hôm 25/12 - Ảnh: EPA.<br>
Công nhân dệt may Campuchia biểu tình đòi tăng lương ở Phnom Penh hôm 25/12 - Ảnh: EPA.<br>
Một cuộc đình công toàn quốc đang diễn ra ở Campuchia đã khiến ngành dệt may, ngành công nghiệp lớn nhất ở quốc gia này, rơi vào trạng thái tê liệt. Hàng chục ngàn công nhân dệt may Campuchia đã bỏ việc đi biểu tình đòi mức lương tối thiểu cao hơn mức mà Chính phủ nước này đề ra.

Theo tờ Wall Street Journal, đình công vẫn thường xảy ra trong ngành dệt may của Campuchia, nhưng đợt đình công lần này là lớn nhất kể từ đầu năm. Giới chức công đoàn dệt may Campuchia cho biết, công nhân từ hơn 120 nhà máy đã đồng loạt đình công từ hôm thứ Tư phản đối quyết định mà Chính phủ đưa ra hồi tuần này tăng lương tối thiểu ngành dệt may thêm 19% lên 95 USD/tháng, bắt đầu từ tháng 4/2014. Trong khi đó, mức lương tối thiểu mà các tổ chức công đoàn dệt may đề nghị là 160 USD/tháng.

“Mức lương hiện nay là quá thấp và không thể đáp ứng nhu cầu của công nhân. Chính phủ cần phải giải quyết vấn đề này ngay, nếu không tình hình sẽ xấu đi và các cuộc biểu tình sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư trong ngành dệt may”, ông Ath Thorn, Chủ tịch Liên minh Đoàn kết dân chủ công nhân dệt may Campuchia, nói.

Trong khi đó, các nhà chức trách Campuchia kêu gọi các công nhân đình công chấp nhận mức tăng lương tối thiểu mà Chính phủ đã quyết định. “Đó là một quyết định dân chủ cần phải được tôn trọng. Các công nhân muốn hơn, nhưng nếu họ cứ đòi hỏi, tôi e là họ sẽ mất tất cả mọi thứ”, ông Oum Mean, một quan chức thuộc Bộ Lao động Campuchia nói.

Ngành dệt may Campuchia chủ yếu cung cấp hàng cho các hãng bán lẻ ở Mỹ và châu Âu. Ngành này đạt doanh thu gần 5,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái - theo số liệu của Bộ Thương mại nước này.

Campuchia có khoảng 795 nhà máy dệt may và da giày, sử dụng khoảng 600.000 công nhân, chủ yếu là phụ nữ. Các nhà sản xuất chuộng Campuchia vì giá nhân công rẻ, nhưng các cuộc đình công thường xuyên diễn ra do công nhân không thỏa mãn với số tiền công mà họ nhận được, điều kiện làm việc kém, và luật lao động không được thực thi đầy đủ.

Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng dệt may Campuchia cho biết, trong 11 tháng đầu năm nay, công nhân ngành dệt may ở nước này tổ chức 131 cuộc đình công, từ mức 121 cuộc trong năm ngoái. Với số cuộc đình công như vậy, năm 2013 trở thành năm mà công nhân dệt may Campuchia biểu tình nhiều nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được theo dõi vào năm 2003.

Giới chức công đoàn dệt may Campuchia ước tính, có khoảng 300.000 công nhân tham gia vào cuộc đình công lớn lần này. Theo báo chí Campuchia, hôm thứ Tư đã có khoảng 10.000 công nhân xuống đường biểu tình ở Phnom Penh, trong khi hàng chục nghìn công nhân dệt may khác đình công trên toàn quốc.

Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh đảng Cứu quốc đối lập của Campuchia tiếp tục phản đối kết quả của cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 7, kêu gọi Thủ tướng Hun Sen phải từ chức hoặc tổ chức một cuộc bầu cử khác.

Các chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu cuộc đình công hiện nay tiếp tục kéo dài, kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Campuchia có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực. Theo dự báo, GDP của Campuchia tăng trưởng 7% trong năm nay.

Lần gần đây nhất Campuchia tăng lương tối thiểu cho ngành dệt may là vào tháng 5, lên mức 80 USD/tháng từ 66 USD/tháng trước đó, mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ.