11:02 30/11/2007

Dệt may tăng trưởng cao nhưng lợi nhuận thấp

Xuân Vũ

Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng mạnh, nhưng về bản chất lợi nhuận ngành này vẫn thấp

Ngành dệt may hiện vẫn phải nhập khẩu 80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Ngành dệt may hiện vẫn phải nhập khẩu 80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Ngày 29/11, Bộ Công Thương đã họp bàn với các doanh nghiệp dệt may trên cả nước để tổng kết tình hình sản xuất, xuất khẩu dệt may năm 2007 và đề ra kế hoạch cho 2008.

Sau một năm gia nhập WTO, dệt may Việt Nam đạt được những bước tiến vượt bậc. Dự kiến, đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7,8 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kì năm 2006.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, nguồn lực lao động nhưng sản xuất và xuất khẩu mặt hàng dệt may đã đạt được kết quả tốt, trở thành mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp phần đáng kể vào việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 48,1 tỷ USD năm 2007.

Tuy nhiên, trong năm vừa qua ngành dệt may vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng, dù tăng trưởng đạt mức cao nhưng về bản chất lợi nhuận ngành này vẫn thấp.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là do phần lớn nguyên phụ liệu cho ngành này phải nhập khẩu từ nước ngoài. Mặc dù chưa có thống kê chính xác, song theo ước tính của một số chuyên gia ngành dệt may, con số này phải lên tới 80%. Trong đó chủ yếu là nhập bông, sợi, vải và việc dành bao nhiêu cho tiêu dùng, bao nhiêu cho sản xuất cũng chưa thống kê hết, dẫn đến việc ngành dệt may dù tăng trưởng cao nhưng lợi nhuận vẫn bị "âm".

Cùng chung ý kiến đó, ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết thêm, năm vừa qua dệt may tăng trưởng tốt, bứt phá mạnh mẽ. Bức tranh toàn ngành sáng sủa nhưng vẫn còn nhiều trì trệ, hạn chế như chậm trễ trong triển khai xây dựng hai trung tâm nguyên phụ liệu tại Tp.HCM và Hà Nội, đình công lao động của ngành diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may chủ yếu tập trung thị trường xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa, sản xuất kinh doanh chủ yếu gia công lại sản phẩm.

Trong năm cũng ghi nhận sự can thiệp, giải quyết kịp thời của Bộ Công Thương và Chính phủ trong giải quyết các rào cản thương mại, mà trực tiếp là cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam của Hoa Kỳ.

Với các kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại, dệt may Việt Nam đang phải đứng trước những thách thức lớn trong năm 2008. Đánh giá của Bộ Công Thương và Vitas đều cho rằng, việc còn tồn tại cơ chế giám sát dệt may của Mỹ với Việt Nam, EU xoá bỏ hạn ngạch cho Trung Quốc, Nhật Bản đạt được tiêu chí xuất xứ "hai công đoạn" với hàng dệt may trong ERA với 6 nước ASEAN (Singapore, Mailaysia, Indonesia, Thái Lan và Brunei) khiến các doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiệu áp lực và gánh nặng hơn năm 2007.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và EU cũng đang có đề xuất trong khuôn khổ WTO về dự thảo thỏa thuận qui định về nhãn mác đối với hàng dệt may, da giày... cũng là khó khăn không nhỏ nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng chuẩn bị chiến lược cho việc nhận đơn hàng và sản xuất của mình.

Từ những khó khăn, thách thức đó, năm nay ngành dệt may đặt ra kế hoạch đến năm 2008 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với ước thực hiện năm 2007. Theo Bộ Công Thương, con số này thực sự không phải là quá lớn vì hiện nay mức độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt trung bình 20%/năm.

Bức tranh dệt may năm 2008 mặc dù còn nhiều gam màu tối, nhưng Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết, nếu thực hiện tốt các mục tiêu để ra về hoạt động sản xuất và xuất khẩu, dệt may hoàn toàn có khả năng vượt dầu thô (dự kiến 9 tỷ USD năm 2008) trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 của Dệt may Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu là 9,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với ước thực hiện, trong đó dự kiến: thị trường Hoa Kỳ ước đạt 5,3-5,5 tỷ USD, thị trường EU đạt khoảng 1,6-1,8 tỷ USD, Nhật Bản đạt khoảng 800 triệu USD. Cụ thể :

- Sợi toàn bộ là 100 nghìn tấn, tăng 8,7% so với ước thực hiện 2007.

- Vải lụa thành phẩm là 683 triệu m2 , tăng 9,1% so với ước thực hiện 2007.

- Quần áo dệt kim là 188,5 triệu sản phẩm tăng 8,1% ước thực hiện 2007.

- Quần áo may sẵn là 1.591triệu sản phẩm, tăng 16,6% ước thực hiện 2007.