09:59 16/03/2021

Di dời các cảng trên sông Sài Gòn: "Không được để thất thoát tài sản Nhà nước"

Tiến Dũng

Việc triển khai di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son kéo dài, không dứt điểm suốt 11 năm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VGP

Chiều 15/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son theo Quyết định 46/2010/QĐ-TTg.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc triển khai di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son kéo dài, không dứt điểm, nhiều nội dung của Quyết định 46/2010/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện, dẫn tới phát sinh các vướng mắc. Hiện tại, cơ chế chính sách đã có sự thay đổi vì vậy cần có biện pháp quản lý phù hợp, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.

Sau khi nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quyết định 46 đã được ban hành 11 năm, nhiều vấn đề được quyết định trước đây thì nay là vấn đề nhạy cảm. Sau 11 năm, quy định của pháp luật đã thay đổi với những luật mới ban hành. Do đó, Thủ tướng cho rằng, tính pháp lý của Quyết định 46 phải được xem xét một cách đúng mức, đầy đủ.

Thường trực Chính phủ quyết định giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tp.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khảo sát, lên phương án và phương án này cần được thẩm định chặt chẽ, đúng pháp luật để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Di dời các cảng trên sông Sài Gòn: "Không được để thất thoát tài sản Nhà nước" - Ảnh 1.

Thủ tướng cho rằng, tính pháp lý của Quyết định 46 về việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son phải được xem xét một cách đúng mức, đầy đủ - Ảnh: VGP

"Tinh thần là không được để thất thoát tài sản Nhà nước, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng và đặc biệt là không làm trái pháp luật. Phương án này cần làm rõ cái nào làm tiếp, cái nào phải dừng, không được làm; phương án này cũng cần đánh giá các hệ lụy liên quan, đề xuất biện pháp giải quyết. Kiên quyết xử lý vi phạm nếu có", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, Bộ Quốc phòng, Tp.HCM tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai và các tài sản trên đất cũng như các khoản tiền thu được theo quy định của pháp luật và báo cáo công khai, rõ ràng quá trình giải quyết, xử lý, quản lý đất đai ở khu vực này.