09:23 13/03/2021

Quy hoạch cảng hàng không: "Phát triển ồ ạt sân bay là chưa hợp lý"

Anh Tú

Việc xin xây dựng và phát triển ồ ạt các sân bay hiện nay là chưa hợp lý, theo TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam

Tại hội thảo Góp ý quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA nhận định "Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á. Trong vòng 10 năm gần đây, thị trường vận tải hàng không có sự phát triển mạnh luôn duy trì mức hai con số với mức tăng trưởng trung bình đạt 16,5%".

RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH LẠI QUY HOẠCH 

Mạng cảng hàng không, sân bay nước ta hiện có 22 cảng hàng không, sân bay, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa, tổng diện tích hơn 12.400 ha, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước nói chung và từng vùng miền nói riêng. Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 236/QĐ-TTg (QĐ 236) phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, xác định đến năm 2030 quy hoạch tổng cộng 28 cảng hàng không, sân bay. 

Đây là cơ sở quan trọng để ngành hàng không phát triển và các cảng hàng không, sân bay đã và đang được đầu tư, nâng cấp theo đúng quy mô được xác định, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Quy hoạch cảng hàng không: "Phát triển ồ ạt sân bay là chưa hợp lý" - Ảnh 1Trên cơ sở khoanh vùng bán kính 100 km, tỷ lệ dân số Việt Nam tiếp cận cảng hàng không khoảng 95,94%, cao hơn mức bình quân 75% trên thế giới. Theo đó, mạng cảng hàng không được quy hoạch trên quan điểm lấy mô hình kết cấu trục nan làm cơ sở chính, kết hợp mô hình "điểm - điểm" theo nhu cầu của thị trường, kết nối trung chuyển trong nước và quốc tế với công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn

Vùng thành phố Hồ Chí Minh với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng công suất khoảng 170 triệu khách/năm. Các cảng hàng không đều có vai trò quan trọng về kinh tế và quốc phòng, ngoài việc là cửa ngõ thúc đẩy phát triển kinh tế, còn bảo đảm tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng, những hoạt động khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, thiên tai... Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia đến năm 2050, vì vậy, Quyết định 236 cần rà soát lại cho phù hợp.

KHÔNG PHÁT TRIỂN Ồ ẠT, THIẾU HỢP LÝ  

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, theo dự báo, giai đoạn 2020-2030, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách sẽ đạt 7,5-8,5%/năm. Năm 2031-2050, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách sẽ đạt 4,2-5%, vận tải hàng hóa 4,7-5,7%/năm. Do đó, tư vấn đã đưa ra đề xuất giai đoạn 2021-2030 sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 13 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa, với tổng công suất thiết kế khoảng 654,5 triệu khách/năm. Đến năm 2050, sẽ bổ sung thêm 4 cảng hàng không gồm: Lai Châu, Nà Sản, Cao Bằng và quy hoạch thêm cảng hàng không thứ 2 cho vùng Thủ đô, vị trí sẽ được nghiên cứu, xác định cụ thể sau năm 2040.

Đối với các cảng hàng không mới, căn cứ tính toán hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm quốc tế, tư vấn đưa ra 6 tiêu chí chính, bao gồm 22 tiêu chí chi tiết về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với cảng hàng không mới. Cụ thể, về nhu cầu sản lượng; kinh tế-xã hội như tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch; an ninh quốc phòng về chiến lược, dự phòng chiến lược; khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên như vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai; cự ly bố trí như cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới cảng hàng không lân cận.

Sau một thời gian ngắn lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo quy hoạch nêu trên, Bộ Giao thông vận tải nhận được khá nhiều đề xuất xây dựng sân bay. Tỉnh nào chưa có thì đề xuất bổ sung quy hoạch, tỉnh đã có vẫn tiếp tục đề nghị nâng cấp, chuyển thành cảng hàng không quốc tế. Trong bối cảnh ngành hàng không đang gánh chịu hàng loạt tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đề xuất của nhiều địa phương đã gây ra nhiều tranh luận.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đề xuất Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, bổ sung sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh, chưa xác định được vị trí cụ thể. Trong khi khu vực này nằm rất gần, chỉ cách cảng hàng không quốc tế Nội Bài 120km và 90km so với cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bắc Giang đề xuất chuyển sân bay quân sự Kép thành sân bay lưỡng dụng, sử dụng cho cả mục đích dân sự tại vị trí xã Hương Lạc, Lạng Giang, để thu hút đầu tư. 

Tương tự, tỉnh Ninh Thuận đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn, ở Tp.Phan Rang kết hợp phục vụ quân sự và dân dụng để tận dụng cơ sở hạ tầng có sẵn. Hà Giang cũng muốn xây sân bay tại huyện Bắc Quang. Hàng loạt địa phương đều đề nghị bổ sung sân bay của tỉnh vào quy hoạch, với lý do tạo bước đột phá làm động lực phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Ngoài ra, một số tỉnh đã có sân bay cũng đề xuất chuyển thành cảng hàng không quốc tế như Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)...

Dù ủng hộ việc ra đời các sân bay nhỏ là nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và của vùng nhưng theo TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, nếu tính chi li, việc xin xây dựng và phát triển ồ ạt các sân bay hiện nay là chưa hợp lý, nhiều địa phương đề nghị mở sân bay là không phù hợp.

Theo TS. Châu, quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cần dựa trên rất nhiều yếu tố như xác định nhu cầu hành khách, nhu cầu vận tải, xác định quy mô, mạng đường bay khai thác của hệ thống cảng hàng không, sân bay. Xác định quy hoạch phát triển đối với từng cảng hàng không, sân bay, khả năng trung chuyển... Quy hoạch hàng không không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế-xã hội, mà còn phải tính đến sự phù hợp giữa hàng không dân dụng và hàng không quân sự, đảm bảo an ninh hàng không và an ninh quốc phòng. 

Vì vậy, "việc xây dựng quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải có sự đồng bộ tổng thể quy hoạch của ngành giao thông vận tải, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Quỹ đất dành cho sự phát triển hệ thống sân bay sẽ rất hạn chế và bị động để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam trong tương lai gần", ông Châu nhận định.

Không đơn thuần là phát triển hạ tầng hàng không cộng phát triển hạ tầng đường bộ, cộng phát triển hạ tầng đường sắt là thành tổng thể hạ tầng giao thông.
PGS.TS. Trần Kim Chung Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)