11:00 24/09/2013

Thủ tướng cho phép lấy 1.500 ha đất lúa làm dự án

Bảo Anh

Tại một số địa phương, diện tích đất lúa lại có biểu hiện giảm khá nhanh

Theo đánh giá của Chính phủ, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất 
lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó 
khăn.<br>
Theo đánh giá của Chính phủ, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó khăn.<br>
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận cho 5 địa phương chuyển mục sử dụng đất để thực hiện một số dự án, công trình.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Nam Định quyết định chuyển mục đích sử dụng hơn 535 ha đất trồng lúa để thực hiện 227 dự án, công trình; tỉnh Hưng Yên quyết định chuyển mục đích sử dụng 417,15 ha đất trồng lúa để thực hiện 115 dự án, công trình; tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng 1.934.795 m2 đất trồng lúa để thực hiện 84 dự án, công trình.

Thủ tướng cũng đồng ý cho tỉnh Tuyên Quang quyết định chuyển mục đích sử dụng 16,01 ha đất trồng lúa và 2,03 ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 10 dự án, công trình và tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng 96,33 ha đất trồng lúa để thực hiện 26 dự án, công trình.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND 5 tỉnh nói trên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo việc chuyển mục đích sử dụng đất của các địa phương nói trên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020, cả nước phải đảm bảo giữ được 3,81 triệu ha đất lúa. Đáng lưu ý, trong một báo cáo của Chính phủ lên Quốc hội mới đây cho thấy, dù một số chỉ tiêu về chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đạt, song tại một số địa phương, diện tích đất lúa lại có biểu hiện giảm khá nhanh như Hải Dương giảm 1,4 nghìn ha/năm, Vĩnh Phúc giảm 1,2 nghìn ha/năm, Hưng Yên giảm 1.000 ha/năm.

Ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long còn có tốc độ giảm nhanh hơn như: Tp.HCM 2,7 nghìn ha/năm, Tây Ninh 3,1 nghìn ha/năm, Cà Mau 6,2 nghìn ha/năm, Bạc Liêu 5,4 nghìn ha/năm, Sóc Trăng 4,1 nghìn ha/năm...

Trong khi đó, theo đánh giá của Chính phủ, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó khăn.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, cho hay thời gian trước đây, trong vòng 1 năm  chúng ta chuyển đổi mục đích khoảng 50.000 ha, bây giờ mức độ chuyển thấp hơn hẳn, khoảng 20.000 ha đất lúa bởi dù sao vẫn phải vì mục đích công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhưng hạn chế ở mức thấp nhất có thể và giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.