Địa phương nào là "quán quân" hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2023?
Với 46,0414 điểm, Thừa Thiên Huế dẫn đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023, tăng 5 bậc so với năm 2022. Tỉnh Đắk Nông đứng cuối cùng của bảng xếp hạng PAPI 2023 với 38,97 điểm.
Sáng 2/4, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023.
Kết quả tổng hợp PAPI 2023 của 61 tỉnh/thành phố (2 tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương không có dữ liệu, do kết quả khảo sát vượt giá trị sai số cho phép trong thống kê).
Tỉnh Thừa Thiên Huế đứng đầu bảng xếp hạng PAPI 2023 với tổng số điểm trên 46,04 điểm. Với kết quả này, Thừa Thiên Huế tăng 5 bậc so với năm 2022. Hầu hết các chỉ số thành phần của tỉnh này đều nằm trong Top đầu của toàn quốc, đáng chú ý là một số chỉ số như: tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,3435 điểm); Công khai minh bạch (5,8366 điểm); trách nhiệm giải trình với người dân (4,3688 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (7,574 điểm); cung ứng dịch vụ công (8,3041 điểm).
Thang điểm này được dựa trên khảo sát sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Các địa phương đứng kế tiếp trong bảng xếp hạng gồm Thái Nguyên (45,78 điểm), Bắc Ninh (45,70 điểm), Sóc Trăng (45,61 điểm), Bạc Liêu (45,57 điểm), Ninh Thuận (45,50 điểm). Trong khi đó, Hà Nội chỉ đạt 43,96 điểm và TP Hồ Chí Minh đạt trên 41,77 điểm. Tỉnh Đắk Nông đứng cuối cùng của bảng xếp hạng PAPI 2023 với 38,97 điểm.
Theo báo cáo đánh giá của PAPI 2023, chất lượng quản trị và hành chính công tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung có xu hướng được người dân đánh giá cao hơn so với các địa phương phía Nam.
Trong 15 địa phương thuộc nhóm "cao", có 5 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, 4 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong 16 địa phương thuộc nhóm "thấp" có 7 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 3 địa phương thuộc vùng Tây Nguyên.
"Khoảng cách hiệu quả quản trị và hành chính công giữa các tỉnh, thành phố có xu hướng thu hẹp. Mức chênh lệch điểm chỉ số PAPI 2023 tổng hợp giữa điểm thấp nhất (38,97 điểm) và cao nhất (46,04 điểm) là khoảng 7,07 điểm - nhỏ hơn khoảng cách của Chỉ số PAPI 2021 và 2022 (khoảng cách lần lượt là 9,07 điểm và 10,84 điểm)", báo cáo cho hay.
PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.
Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa CECODES và UNDP tại Việt Nam từ năm 2009 cho tới nay, cùng với sự hỗ trợ của nhiều đối tác trong suốt quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu.