08:48 18/03/2024

Việt Nam ở đâu trong chỉ số cơ hội đầu tư toàn cầu?

An Huy

Đan Mạch được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất đối với giới đầu tư toàn cầu. Trong số các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á, Việt Nam nằm trong top 5...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Theo báo cáo Chỉ số Đầu tư Toàn cầu (GOI) mà Viện Milken công bố mới đây, trong số 5 điểm đến hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư trên thế giới hiện nay, có tới 4 nước thuộc châu Âu. Trong số các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á, Việt Nam nằm trong top 5.

Đan Mạch chiếm vị trí số 1 của xếp hạng năm nay. Nước này giành điểm số cao nhất ở tiêu chí nhận thức kinh doanh - thước đo về mức độ dễ dàng của môi trường kinh doanh tại một quốc gia, cũng như bao gồm các thông số khác về quy chế giám sát.

Viện Milken - một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở ở Santa Clara, California, Mỹ - thực hiện xếp hạng này trên cơ sở tập hơn 100 chỉ số thuộc 5 nhóm tiêu chí khác nhau gồm: nhận thức kinh doanh; các yếu tố kinh tế nền tảng; dịch vụ tài chính; khung thể chế; tiêu chuẩn và chính sách quốc tế. Xếp hạng bao gồm 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đan Mạch xếp vị trí thứ ba ở tiêu chí các yếu tố kinh tế nền tảng - nhóm bao gồm tình hình kinh tế vĩ mô, nguồn nhân lực, và “những nỗ lực để tạo ra một nền kinh tế và xã hội vững chãi và bền vững” - báo cáo cho biết.

Top 5 quốc gia được giới đầu tư đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới hiện nay theo báo cáo GOI bao gồm: Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, Mỹ và Anh.

Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - tăng một bậc so với xếp hạng năm ngoái, lên vị trí thứ 4. Mỹ đạt thứ hạng cao nhất thế giới về khung thể chế, nhóm tiêu chí đo lường mức độ bảo vệ mà các thể chế của một quốc gia mang lại cho các quyền và tài sản của nhà đầu tư. Mỹ xếp thứ 5 thế giới về dịch vụ tài chính - nhóm tiêu chính đánh giá hệ thống tài chính nói chung cũng như mức độ dễ dàng về mức độ tiếp cận tài chính tại một quốc gia.

Đứng ở vị trí thứ ba trong xếp hạng chung, Phần Lan đạt vị trí cao nhất thế giới ở nhóm tiêu chí tiêu chuẩn và chính sách quốc tế. Đây là nhóm tiêu chí về độ mở của nền kinh tế và mức độ phù hợp của chính sách một quốc gia với các tiêu chuẩn về giám sát và bảo vệ tài sản trí tuệ toàn cầu.

So với các khu vực mới nổi và đang phát triển khác, các nước mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á đạt được thứ hạng cao hơn trong xếp hạng GOI năm nay. Báo cáo cho biết trong thời gian từ năm 2018-2022, nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á thu hút 53,2% dòng vốn đầu tư chảy vào các nước mới nổi và đang phát triển trên toàn cầu.

“Trong khi các nền kinh tế phát triển mang lại sự ổn định, nhà đầu tư tìm kiếm mức tăng trưởng lợi nhuận cao tiếp tục thể hiện mối quan tâm ở các thị trường mới nổi và đang phát triển”, Giám đốc cấp cao phụ trách nghiên cứu của Viện Milken, bà Maggie Switek, nhận định trong một tuyên bố.

Trong số các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á, Malaysia đạt được thứ hạng cao nhất trong xếp hạng chung. Vị trí của Malaysia trên toàn cầu là 27. Nước này được đánh giá là có “điều kiện đầu tư tốt nhất” trong số tất cả các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trên thế giới, đồng thời đạt thứ hạng tốt ở nhóm tiêu chí khuôn khổ thể chế, một phần do có sự bảo vệ mạnh mẽ đối với quyền của nhà đầu tư - theo bà Switek.

Theo tờ báo New York Times, Malaysia hiện là nước xuất khẩu con chip lớn thứ 6 trên thế giới và đóng gói 23% tổng số chip do các công ty Mỹ sản xuất.

Báo cáo của Viện Milken nhận định nhìn chung, các khu vực mới nổi và đang phát triển “mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư quan tâm tới tiềm năng tăng trưởng”. Top 10 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á về cơ hội kinh doanh theo báo cáo này bao gồm (trong ngoặc là vị trí trong xếp hạng toàn cầu):

1. Malaysia (27)
2. Thái Lan (37)
3. Trung Quốc (39)
4. Indonesia (55)
5. Việt Nam (65)
6. Ấn Độ (72)
7. Mông Cổ (78)
8. Sri Lanka (82)
9. Philippines (91)
10. Campuchia (93)

Theo các chuyên gia thực hiện báo cáo, căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng bất lợi đến dòng vốn đầu tư chảy vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á, dẫn tới cú giảm 75,4% của dòng vốn này trong năm 2022.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - xếp ở vị trí 39, một thứ hạng mà bà Switek khi trao đổi với hãng tin CNBC nhận định là một vị trí “tương đối cao”.

“Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng vốn đầu tư chảy vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á trong thời gian 2018-2022, sức hấp dẫn của nước này đối với giới đầu tư đã giảm nhiều gần đây, có thể do căng thẳng địa chính trị Trung-Mỹ gia tăng”, báo cáo viết.

Tại châu Á nói chung, Singapore là nền kinh tế được giới đầu tư ưa chuộng nhất, chiếm vị trí 14 trên toàn cầu. Hồng Kông và Nhật Bản chiếm vị trí 15 và 16 toàn cầu, lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trong khu vực.