14:58 06/12/2021

Dịch vụ chăm sóc người già nhiều tiềm năng vẫn đang chờ nhà đầu tư

Song Hoàng

Trước thực trạng già hóa dân số diễn ra rất nhanh, thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam được đánh giá rất đầy tiềm năng. Tuy nhiên, hiện có không nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.

Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi mới chỉ có số lượng tương đối "khiêm tốn" tại các thành phố lớn
Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi mới chỉ có số lượng tương đối "khiêm tốn" tại các thành phố lớn

Theo dự báo mới đây của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2038 nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số. Với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam nằm top 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

Tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ II mới được tổ chức gần đây, GS.TS. Phạm Thắng, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho biết, theo kết quả tổng điều tra dân số 2019, nước ta có 11,41 triệu người cao tuổi chiếm 11,86% tổng dân số. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2012 và sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035.

Đáng chú ý là quá trình già hóa của nước ta chỉ diễn ra trong 23 năm (2012-2035) là dân số đã đạt ngưỡng “dân số già”. Trong khi đó, Pháp phải mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ 69 năm và Nhật Bản 26 năm.

Theo nhận định của Liên hiệp quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

Cũng theo GS.TS Phạm Thắng già hóa dân số ở Việt Nam đặt ra nhưng thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và hệ thống y tế hiện tại. Do đó, hệ thống y tế ngày nay cần có những bước chuyển mình để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người cao tuổi.

Hiện tại, nhân lực chăm sóc người cao tuổi cả ở khu vực công lập lẫn tư nhân vẫn rất mỏng, chủ yếu dựa vào người nhà. Lực lượng điều dưỡng, bác sĩ chuyên về lão khoa còn rất thiếu và không đủ kiến thức về lão khoa.

Cả nước chỉ có một bệnh viện đầu ngành chăm sóc cho người cao tuổi - Bệnh viện Lão khoa trung ương. Ở các tỉnh, theo thống kê mới nhất, chỉ khoảng 20% các bệnh viện tỉnh có khoa lão khoa, chủ yếu tập trung ở tỉnh có dân số đông. Rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chưa thành lập được khoa lão khoa.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, số người cao tuổi cần chăm sóc hiện đang rất lớn. Tại Hà Nội, số người cao tuổi hiện nay là 1,2 triệu người, chiếm 15% dân số của thành phố. Tuy nhiên, 2 năm qua do những khó khăn vì dịch bệnh Covid -19 nên kinh phí dành cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở công lập rất hạn hẹp.

Một thách thức khác cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc chăm sóc người cao tuổi, đó là gánh nặng chi phí, theo ước tính của các nhà khoa học, chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe một người cao tuổi cao gấp 8 lần so với một trẻ em.

Tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi do tư nhân thành lập, do mức phí mỗi tháng khá cao, nên chỉ có những gia đình tương đối khá giả mới đủ điều kiện gửi người thân tại đây.

Theo khảo sát của VnEcconomy, tại Hà Nội có khoảng hơn 10 trung tâm chăm sóc người cao tuổi có cơ sở vật chất khá tốt, đội ngũ nhân sự tương đối đảm bảo nên  các cơ sở này đang hoạt động ổn định, thậm chí ngay cả thời điểm dịch Covid -19 bùng phát, lượng khách hàng vẫn không bị hao hụt.

Anh Nguyễn Văn Thuần, 34 tuổi, quản lý Trung tâm OriHome (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chăm sóc người già tại trung tâm thực sự là một thách thức rất lớn. Hơn 6 năm quản lý tại trung tâm này, anh Thuần phải mất rất nhiều thời gian cho việc tuyển dụng, đào tạo và thậm chí thường xuyên làm chuyên gia tư vấn tâm lý cho nhân viên. Nhưng vẫn có rất nhiều người không chịu được và bỏ việc sau vài ngày.

Tương tự, tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội), đang chăm sóc hơn 200 khách hàng. Hai năm qua mặc dù Covid -19 bùng phát liên miên nhưng trung tâm này đã mở thêm cơ sở thứ 3. Và vấn đề tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, chịu làm việc trong môi trường đặc thù này, cũng là mối quan tâm hàng đầu của trung tâm Diên Hồng.

Một số chuyên gia lão khoa cũng nêu ý kiến, để việc chăm sóc người già trong cuộc sống hiện nay cần phải có các nghiên cứu đánh giá nhu cầu chi tiết hơn nữa, bên cạnh đó phải đẩy mạnh phát triển hệ thống và mạng lưới lão khoa.

Ngoài ra, nhà nước cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia chăm sóc người cao tuổi. Nếu để các doanh nghiệp tự bơi như hiện nay, sẽ không có nhiều nhà đầu tư hào hứng tham gia lĩnh vực này. Bởi như đã nói từ đầu, chăm sóc người già mất nhiều công sức, thời gian và chi phí lớn, vì vậy giá dịch vụ sẽ luôn ở mức cao hoặc rất cao, khi đó sẽ có ít người già nhận được chăm sóc đầy đủ nhất.