00:35 11/04/2007

Dịch vụ chứng khoán hội nhập WTO ra sao?

Thùy Trang

Các công ty cung cấp dịch vụ chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phép thành lập sau 5 năm nữa

Thị trường chứng khoán mới bắt đầu được hình thành song đã có những bước phát triển nhảy vọt trong thời gian gần đây - Ảnh: VNN.
Thị trường chứng khoán mới bắt đầu được hình thành song đã có những bước phát triển nhảy vọt trong thời gian gần đây - Ảnh: VNN.
Các nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của các cam kết cụ thể của Việt Nam với WTO trong phân ngành dịch vụ chứng khoán.

Đây là nhận định được các chuyên gia Bộ Tài chính đưa ra tại Hội thảo "Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế-tài chính Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội ngày 10/4/2007.

Theo cam kết trong WTO của Việt Nam thì các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện và liên doanh đến 49% vốn đầu tư nước ngoài từ thời điểm gia nhập; được phép thành lập công ty cung cấp dịch vụ chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài sau 5 năm kể từ khi gia nhập và được phép thành lập chi nhánh của công ty cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài sau 5 năm đối với một số loại hình như quản lý tài sản, thanh toán, tư vấn liên quan đến chứng khoán và cung cấp, trao đổi thông tin tài chính.

Dịch vụ chứng khoán là ngành mới chỉ bắt đầu được hình thành ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường vốn, quy mô thị trường chứng khoán và nhu cầu về dịch vụ chứng khoán trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng mạnh.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy mặc dù thị trường chứng khoán mới bắt đầu được hình thành song đã có những bước phát triển nhảy vọt trong thời gian gần đây, với tổng giá trị vốn hoá thị trường đến cuối năm 2006 đạt 22,7%/GDP, tăng 20 lần so với 2005.

Số lượng công ty niêm yết tăng từ 41 công ty năm 2005 lên 193 công ty năm 2006. Số lượng tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán là trên 100.000 vào tháng 12/2006, (trong đó có 1870 tài khoản do người nước ngoài nắm giữ), gấp 3 lần cuối năm 2005 và dự kiến có thể tăng gấp 3-4 lần hiện nay vào năm 2010.

Về các nhà đầu tư thể chế, hiện đã có 35 quỹ đầu tư, trong đó có 23 quỹ đầu tư nước ngoài và 12 quỹ đầu tư trong nước. Ngoài ra, có gần 50 tổ chức đầu tư theo hình thức uỷ thác qua các công ty chứng khoán.

Bà Nguyễn Vân Chi, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng sự xuất hiện và tham gia của các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài có tác động mạnh đến phát triển thị trường, dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ cao khi cơ sở hạ tầng chứng khoán không phát triển tương ứng với thị trường. Đồng thời, kết hợp với xu thế mở rộng áp dụng công nghệ thông tin, thì đây cũng sẽ là những thách thức đối với việc giám sát, quản lý rủi ro, duy trì sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Kết quả khảo sát của Nhóm tư vấn chính sách của ông Đỗ Ngọc Huỳnh cho thấy nhu cầu về các loại hình dịch vụ mới như dịch vụ về tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính, pháp lý, dịch vụ quản lý tài sản đang còn thiếu hụt trên thị trường hiện nay sẽ có xu hướng phát triển và chuyên môn hoá cao hơn.

Đối với các công ty niêm yết, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nhu cầu định giá doanh nghiệp, nhu cầu phát hành, tìm đối tác chiến lược, tìm thị trường niêm yết (trong nước, nước ngoài) là những yếu tố tăng cầu đối với dịch vụ của các công ty chứng khoán.

Về phía các công ty cung cấp dịch vụ chứng khoán trong nước, sự phát triển của thị trường sau khi Việt Nam gia nhập WTO cũng mang lại những bước phát triển đáng kể cho các doanh nghiệp mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế.

Các công ty chứng khoán đã tăng đáng kể về số lượng (từ 14 công ty cuối 2005 lên thành 55 công ty vào cuối năm 2006), vốn điều lệ trung bình đạt 77 tỷ đồng/công ty, tăng 26% so với cuối năm 2005.

Hiện có 18 công ty quản lý quỹ, 41 tổ chức tham gia hoạt động lưu ký chứng khoán, 6 ngân hàng lưu ký, 8 công ty kiểm toán độc lập được chấp thuận kiểm toán cho các công ty tham gia thị trường chứng khoán.

Một điểm đáng chú ý khác là sự tham gia của bên nước ngoài trên thị trường chứng khoán trong thời điểm hiện nay chủ yếu là dưới góc độ nhà đầu tư/quỹ đầu tư tham gia thị trường, hơn là từ góc độ của nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán, ngoại trừ một số công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài.

Mặc dù sự tham gia của phía nước ngoài trên thị trường dịch vụ chứng khoán hiện còn tương đối hạn chế, tuy nhiên theo tính toán của các chuyên gia thì với nhu cầu phát triển của thị trường chứng khoán và các cam kết trong WTO, cạnh tranh trong thời gian tới chắc chắn sẽ gay gắt hơn.

Đây sẽ là thách thức lớn đối với các tổ chức trung gian, dưới áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp cho thị trường cũng như nâng cao khả năng quản lý rủi ro tại các định chế này.

Ngoài ra, do tỷ trọng các nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường còn thấp, đại bộ phận các nhà đầu tư cá nhân với nhận thức chung về thị trường chứng khoán còn hạn chế, khiến cho hoạt động chung của thị trường chứng khoán hiện dễ biến động mạnh, không chuyên nghiệp và khó dự đoán.

Với việc tăng cường số lượng các nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường, trong đó có cả các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên sự tham gia của bên nước ngoài trên thị trường dịch vụ chứng khoán sẽ tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, dẫn dắt thị trường chuyên môn hoá.

Theo chuyên gia của Bộ Tài chính, nếu xem xét ngành dịch vụ chứng khoán một cách tổng thể, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ trong nước lẫn các nhà cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài thì vấn đề nâng cao năng lực của ngành cần được xem xét trong một tổng thể chung để đảm bảo thực hiện được vai trò trung gian cung cấp dịch vụ hạ tầng về tài chính trên thị trường vốn.

Theo TS. Nguyễn Vân Chi, về mặt chính sách, mặc dù các cam kết về chứng khoán là phù hợp với Luật Chứng khoán mới được ban hành và định hướng phát triển của Chính phủ trong lĩnh vực này, vấn đề đặt ra là cơ quan hoạch định chính sách sẽ cần tiếp tục xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán trong đó chú trọng đến các nội dung hướng dẫn cụ thể về việc tham gia của bên nước ngoài như thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài và chi nhánh.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư.

Bên cạnh đó, bà Chi cũng khuyến nghị cần có định hướng phát triển hệ thống các định chế tài chính nòng cốt của thị trường bao gồm thành lập công ty xếp hạng tín nhiệm và hệ thống các công ty tư vấn đầu tư, các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ.