16:36 21/07/2025

Điểm danh ba nhóm ngành dẫn dắt VN-Index tiếp tục bùng nổ vào cuối năm

Thu Minh

Động lực hỗ trợ quan trọng cho thị trường chủ yếu là chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước trước bối cảnh áp lực thuế quan hiện hữu, tăng trưởng từ dòng vốn FDI không còn bền vững.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thị trường đã đi được hơn một nửa chặng đường của năm 2025 với thành quả là VN-Index đã có lúc vượt đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Những nhóm ngành dẫn dắt thị trường chủ yếu là Bất động sản, Ngân hàng và Chứng khoán. 

Nhận định cho nửa sau năm 2025, động lực hỗ trợ quan trọng cho thị trường chủ yếu là chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước trước bối cảnh áp lực thuế quan hiện hữu, tăng trưởng từ dòng vốn FDI không còn bền vững.

Theo đó, khởi động của chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân là Nghị Quyết 68- NQ/TW, là văn bản quan trọng, đóng vai trò định hướng chiến lược, phát triển đất nước hướng tới “kỷ nguyên vươn mình”. Điểm nhấn của Nghị quyết là xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Nghị quyết 68 đặt ra các mục tiêu định lượng cụ thể với lộ trình rõ ràng, thể hiện tham vọng lớn trong việc đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của nền kinh tế.  Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, một loạt các giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân. 

Về tác động Nghị quyết 68 đến thị trường chứng khoán, theo Chứng khoán KBSV, có 3 nhóm doanh nghiệp hưởng lợi rõ rệt nhất từ chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân của Chính phủ, bao gồm: Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp quy mô lớn, đầu ngành. 

Với mục tiêu từ Nghị quyết 68 là có tối thiểu 20 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đến năm 2030, kỳ vọng Chính phủ sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp đầu ngành mũi nhọn, ...

Điểm danh ba nhóm ngành dẫn dắt VN-Index tiếp tục bùng nổ vào cuối năm  - Ảnh 1

Thứ hai, nhóm doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt các doanh nghiệp đang vướng mắc pháp lý. Bất chấp áp lực từ các biến động bên ngoài, đặc biệt liên quan đến vấn đề thuế quan, mục tiêu tăng trưởng 8% được Chính phủ duy trì.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ sẽ có nhiều nỗ lực để thúc đấy thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh, và cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 68. Tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có tín hiệu tương đổi tích cực. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, riêng tín dụng bất động sản, quý 1 năm nay ghi nhận mức tăng 7,49%.

Ngoài ra, nhiều dự án bị tắc nghẽn nhiều năm của các chủ đầu tư đã trở lại sau khi được tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Đơn cử như The Prive của Đất Xanh, trước đây là Gem Riverside, đình trệ từ năm 2018. Sau thời gian dài hoàn thiện pháp lý liên quan đến thủ tục đầu tư và tính tiền sử dụng đất, tháng 9/2024, dự án này đã được cấp phép xây dựng và nay chuẩn bị ra mắt.

Novaland (NVL) được gỡ vướng 2 dự án khu đất 30,2 ha tại phường Bình Khánh (The Water Bay) và khu đất 30,1 ha Nam Rạch Chiếc (Lakeview City) ở phường An Phú, TP. Thủ Đức. Ngoài ra, dự án trọng điểm khác của NVL là Aqua City (Đồng Nai) cũng đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 các dự án thành phần – sau 4 năm vướng mắc.

Thêm vào đó, Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đang tích cực lên danh sách và tiến hành thí điểm chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nhiều dự án. Những dự án được “mở khoá” này sẽ truyền đi tín hiệu tốt cho tháo gỡ những dự án cùng khu vực. 

Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh nâng cấp hoàn thiện hạ tầng, giao thông kết nối cũng là yếu tố giúp cho thị trường Bất động sản phục hồi tích cực trở lại, phần nào kéo theo nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng.

Cuối cùng là nhóm doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công. Một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đến từ Chính sách đẩy mạnh đầu tư công. Trong đó, vai trò của nhóm doanh nghiệp tư nhân sẽ ngày càng nổi bật hơn, tham gia sâu rộng hơn vào đại dự án trọng điểm (Long Thành, đường sắt cao tốc…).