08:28 25/07/2021

Điểm danh những công ty chứng khoán lỗ nặng mảng tự doanh

An Nhiên

Nếu như quý đầu năm 2021, hầu hết các công ty chứng khoán “mở cờ” vì thắng lớn tự doanh thì bước sang quý 2/2021, mảng này trở thành “kẻ phá bĩnh” lợi nhuận của nhiều công ty…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Diễn biến sôi động của thị trường 6 tháng đầu năm 2021 cùng làn sóng F0 dữ dội đã đẩy chứng khoán trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho nhiều công ty chứng khoán, đặc biệt là ở mảng tự doanh. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều công ty "kiếm bẫm" từ tự doanh cũng xuất hiện những đơn vị thua lỗ từ mảng này tác động không tích cực đến lợi nhuận các công ty chứng khoán do thị trường đã qua rồi thời kỳ huy hoàng “mua là thắng”.

LỖ NẶNG TỰ DOANH

Chứng khoán Mirae Asset đã có một mùa bội thu nhờ hoạt động cho vay và môi giới chứng khoán. Tuy nhiên, mảng tự doanh công ty này lại đang ghi nhận lỗ sau khi có lãi bứt phá trong quý 1/2021. Báo cáo tài chính quý 2/2021 cho thấy, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 29% lên gần 50 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ từ tài sản tài chính FVTPL ở mức 52,4 tỷ đồng, điều này dẫn đến mảng tự doanh của Mirae Asset lỗ trong quý 2 năm nay.

Trong đó, MAS lãi bán tài sản tài chính EVFTPL 36 tỷ đồng, lỗ bán tài sản tài chính FVTPL tăng mạnh lên con số 55,6 tỷ đồng, dẫn đến lỗ từ bán tài sản tài chính EVFTPL gần 20 tỷ đồng.

Chứng khoán VPS - thị phần số một môi giới cũng lỗ đậm mảng tự doanh. Quý 2/2021, VPS ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ 947 tỷ đồng, lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ 982 tỷ đồng, do đó, công ty này lỗ mảng tự doanh 35 tỷ đồng. Trong đó, lãi bán các tài sản tài chính 686 tỷ đồng, lỗ bán các tài sản tài chính 972 tỷ đồng. Tính toán cho thấy công ty này lỗ từ bán danh mục tự doanh 286 tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, VPS lỗ tự doanh 17 tỷ đồng, lỗ bán các tài sản tài chính lên đến 449 tỷ đồng.

Chứng khoán VPS lỗ nặng mảng tự doanh.
Chứng khoán VPS lỗ nặng mảng tự doanh.

Tương tự, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) ghi nhận lãi từ bán các tài sản tài chính FVTPL 62 tỷ đồng, tuy nhiên, lỗ bán các tài sản tài chính lên đến 139,5 tỷ đồng dẫn đến trong kỳ TVSI lỗ từ bán danh mục tự doanh 77 tỷ đồng. Trong đó, TVSI lỗ từ bán trái phiếu chưa niêm yết lên đến 79 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, TVSI lỗ 258 tỷ đồng từ bán các tài sản tài chính TVSI.

Báo cáo tài chính quý 2/2021 mới công bố, Chứng khoán Đại Việt (DVSC) cũng ghi nhận lãi từ bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ FVTPL 17,5 tỷ đồng, trong khi đó, lỗ từ mảng này 20,3 tỷ đồng, tính ra DVSC lỗ gần 3 tỷ đồng từ các tài sản tài chính FVTPL. Trong đó, chủ yếu là do chênh lệch giảm về đánh giá lại các tài sản tài chính hơn 5 tỷ đồng. Kết thúc quý 2/2021, DVSC lỗ 4,1 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2021, DVSC lỗ lũy kế lên đến gần 34,2 tỷ đồng.

Một số công ty chứng khoán mặc dù không có tự doanh hoặc tự doanh lãi nhưng quý 2 cũng thua lỗ bất chấp thị trường sôi động như Chứng khoán Việt - VSCS ghi nhận phần lỗ sau thuế trong quý gần 260 triệu đồng, lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 428 triệu đồng; Chứng khoán Globalmind Capital (GMC) ghi nhận lỗ sau thuế quý 2 xấp xỉ 1,4 tỷ đồng; Chứng khoán Euro Capital ECC lỗ xấp xỉ 1,1 tỷ đồng trong quý 2. Lũy kế 6 tháng, khoản lỗ ròng của công ty này 2,2 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 30/6 lên tới gần 63,5 tỷ đồng….

TỰ DOANH "KHÓ NHẰN" HƠN 6 THÁNG CUỐI NĂM 2021?

Kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 27,6%, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tăng mạnh nhất trên thế giới. Tính đến tháng 6/2021, VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 1.400 và đóng cửa ở 1.408,55 điểm - mức đỉnh mọi thời đại, thanh khoản mỗi phiên cũng liên tiếp lập kỷ lục, giá nhiều cổ phiếu thiết lập mặt bằng mới chính những điều này đã giúp nhiều công ty chứng khoán lãi lớn tự doanh.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 7 tới nay, thị trường đã trải qua đợt điều chỉnh khá mạnh, Vn-Index hiện đang ở vùng 1.268 điểm do những diễn biến phức tạp của Đại dịch Covid-19 gây áp lực vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. Dù cho tháng 7 là tháng cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm với tăng trưởng lợi nhuận khả quan được dự đoán vẫn ghi nhận ở các nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN30 như Ngân hàng, Dầu khí, Chứng khoán và Thép tuy nhiên, giá nhiều cổ phiếu nhóm này đã chạy trước lợi nhuận.

Tiền dè dặt bắt đáy khiến thanh khoản mỗi phiên cũng xuống mức thấp đáng kể so với thời điểm 6 tháng đầu năm. Tất cả những điều này dự cảm về thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm “không dễ ăn” như 6 tháng đầu năm, triển vọng tự doanh của các công ty chứng khoán vì thế cũng được dự báo kém khởi sắc hơn.

Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm dự báo khó nhằn hơn cho tự doanh chứng khoán.
Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm dự báo khó nhằn hơn cho tự doanh chứng khoán.

Trên thực tế, đã có một số công ty chứng khoán ghi nhận khoản chênh lệch tài sản tài chính FVTPL ở thời điểm hiện tại (giá thị trường danh mục tự doanh ) âm so với giá thời điểm mua vào.

Chẳng hạn, tại chứng khoán SHS, chênh lệch tăng đánh giá lại các tại sản tài chính quý 2/2021 là âm 58 tỷ đồng. Chênh lệch giảm từ các tài sản tài chính là 1,2 tỷ đồng. Chứng khoán SSI cũng ghi nhận chênh lệch đánh giá lại các tài sản tài chính đang lỗ 49 tỷ đồng.

“Khoản chênh lệch tăng/giảm do đánh giá lại tài sản tài chính EVTPL theo giá thị trường thể hiện trong báo cáo tài chính không phản ánh hết được kết quả từ hoạt động tự doanh mà công ty nhận được. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến thị trường không thuận lợi, nhiều khả năng mảng tự doanh của các công ty chứng khoán 6 tháng cuối năm sẽ khó nhằn hơn so với 6 tháng đầu năm 2021”, Giám đốc khối phân tích một công ty chứng khoán nhấn mạnh.

Mặc dù kỳ vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2022 nhờ phí môi giới và cho vay ký quỹ, song SSI Research cho rằng động lực hiện tại của thị trường có thể giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm – tạo áp lực giảm thu nhập từ mảng tự doanh của các công ty chứng khoán. 

“Rủi ro chính của ngành chứng khoán còn là biên lợi nhuận giảm đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao gồm cho vay và môi giới chứng khoán, do áp lực cạnh tranh gay gắt. Lạm phát tăng, lãi suất tăng và giá cổ phiếu giảm có thể dẫn đến thanh khoản thị trường và lợi nhuận giảm”, SSI Research nhấn mạnh.