12:03 23/07/2021

Hàng T3 đang xả, giá giảm diện rộng, thanh khoản tăng vọt

Kim Phong

Cơ hội có lợi nhuận T+3 chắc chắn đầu tiên trong nhịp giảm này đã được các nhà đầu cơ ngắn hạn tận dụng. Lực chốt lời xuất hiện rất sớm và gây sức ép đáng kể trên toàn thị trường...

Thị trường rực lửa trong ngày T+3 có lãi.
Thị trường rực lửa trong ngày T+3 có lãi.

Cơ hội có lợi nhuận T+3 chắc chắn đầu tiên trong nhịp giảm này đã được các nhà đầu cơ ngắn hạn tận dụng. Lực chốt lời xuất hiện rất sớm và gây sức ép đáng kể trên toàn thị trường.

VN-Index sụt giảm ngay khi mở cửa, mất 0,6% tương đương gần 9 điểm. Lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện sớm báo hiệu một phiên giao dịch vất vả, khi không chỉ nhà đầu tư bắt đáy canh me giá mà còn rất nhiều nhà đầu tư mắc kẹt đang chờ được “giải cứu”.

Không mấy bất ngờ, cổ phiếu ngân hàng là những mã bị tác động rất mạnh. Vài mã ngân hàng đầu phiên còn có thêm một nhịp tăng khá tốt nữa như HDB tăng 1,24%, BID tăng 1,22%, cá biệt STB tăng kịch trần. Đó là cơ hội để nhà đầu tư chốt lời.

STB đang là cổ phiếu mạnh nhất nhóm này, kết phiên sáng vẫn còn tăng 4,46%. Tuy vậy từ ngưỡng trần 29.950 đồng tới chốt phiên sáng còn 29.250 đồng cũng là bước lùi hơn 2,3%. Kể cả với giá hiện tại thì STB cũng đem về lợi nhuận T+3 khoảng 4%, còn biên độ tối đa (chênh lệch thấp nhất, cao nhất T+3) tới trên 10%.

STB cũng là cổ phiếu thu hút dòng tiền vào lớn nhất thị trường, đột biến so với chính nó cũng như các mã ngân hàng nói chung. Khoảng 45,9 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng tương đương 1.343 tỷ đồng.

Trường hợp của STB là cá biệt, các mã ngân hàng khác đều bị xả đến mức đỏ. HDB tăng 0,15% chỉ là nhờ giao dịch cuối cùng trước khi tạm nghỉ trưa. Những mã lớn đều giảm rất sâu: VCB giảm 1,89%, CTG giảm 1,04%, TCB giảm 1,57%, MBB giảm 0,71%, TPB giảm 1,9%, ACB giảm 1,2%...

Rổ VN30 chốt phiên sáng chỉ có 6 mã tăng/22 mã giảm, trong khi đầu phiên có 19 mã tăng/8 mã giảm. Chỉ số này đang giảm 0,66%. Ngoài STB, giao dịch đáng chú ý khác trong rổ VN30 là FPT. Kết quả kinh doanh có thể là động lực giúp mã này đột biến thanh khoản lên mức 4,34 triệu cổ tương đương 395,8 tỷ đồng. FPT có lúc bùng nổ tăng 3,91% so với tham chiếu nhưng đến cuối phiên sáng co lại còn tăng 2,24%.

Ngoài hai cổ phiếu STB và FPT, các blue-chips nhìn chung là yếu. Giá không chỉ giảm áp đảo mà thanh khoản cũng tăng lên. Giao dịch tại nhóm Vn30 sáng nay tăng 61% so với sáng hôm qua, đạt 5.907 tỷ đồng. Đây là biểu hiện khá rõ của áp lực bán gia tăng khi đẩy giá tất cả các mã quay đầu (dù vài mã vẫn trên tham chiếu) bằng thanh khoản cao. Lúc đạt đỉnh đầu phiên, VN30-Index cũng tăng 0,14% so với tham chiếu.

VN-Index có một thoáng tăng giá trong sáng nay.
VN-Index có một thoáng tăng giá trong sáng nay.

Chỉ số VN-Index cũng thể hiện biến động tương tự như rổ VN30. Chỉ số này đạt đỉnh khoảng 9h32 và trên tham chiếu 0,15%. Khi đó độ rộng tương đối tích cực với 155 mã tăng/127 mã giảm. Tuy nhiên độ rộng co lại nhanh chóng và trong lần thứ 2 chỉ số nỗ lực quay về sát tham chiếu lúc 10h37, độ rộng chỉ là 138 mã tăng/237 mã giảm. Điều này thể hiện khả năng phục hồi ở cổ phiếu là kém. Chốt phiên sáng VN-Index giảm 0,65% tương đương 8,35 điểm và chỉ có 102 mã tăng/247 mã giảm. Khoảng 130 cổ phiếu trên sàn này đang giảm hơn 1% giá trị.

Với độ rộng quá hẹp như vậy, hầu hết các mã đi ngược dòng chỉ là cổ phiếu cá biệt, không mang tính nhóm ngành. ILB, DGC, VIX, CSV, GIL, SJS, BTP là những mã hiếm hoi đang tăng trên 3% với thanh khoản khá ổn. Những nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như ngân hàng, chứng khoán, thép đều đang rớt giá thảm.

Lực xả T+3 mạnh đẩy thanh khoản chung hai sàn lên 11.591 tỷ đồng, tăng gần 31% so với phiên trước. Mặt xấu là đã xuất hiện lực bán lớn và đẩy giá giảm khá mạnh. Mặt tốt là nhà đầu tư T+3 đang giảm tải khối lượng cổ phiếu mắc kẹt. Dĩ nhiên trừ phi thanh khoản còn đủ dư địa mới có thể hấp thụ khối lượng này và đưa giá lên cao hơn, bắt đầu một vòng T+3 mới.

Khối ngoại sáng nay mua ròng 193,7 tỷ đồng trên sàn HoSE tập trung vào MSB (129,3 tỷ), DGC (71,7 tỷ), VNM (64,3 tỷ). Phía bán ròng không có mã nào vượt quá được 20 tỷ đồng. Tổng giá trị bán hiện chỉ khoảng 424 tỷ đồng, khá thấp.