08:52 12/11/2007

Điểm đáy nào cho chứng khoán thế giới?

Lê Hường

Điệp khúc “thua lỗ từ tín dụng thế chấp” lại vẫn ám ảnh giới đầu tư và làm náo loạn thị trường chứng khoán thế giới

Chứng khoán châu Á có mức giảm trong tuần mạnh nhất kể từ tháng 8.
Chứng khoán châu Á có mức giảm trong tuần mạnh nhất kể từ tháng 8.
Trong tuần qua, Tổng giám đốc Citigroup tuyên bố từ chức do sức ép từ 6,5 tỉ USD chôn vùi trong các khoản vay thế chấp, người hùng Morgan Stanley công bố khoản mất mát 3,7 tỉ USD trong hai tháng và điệp khúc “thua lỗ từ tín dụng thế chấp” lại vẫn ám ảnh giới đầu tư và làm náo loạn thị trường chứng khoán thế giới.

Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Ben S.Bernanke phát biểu hôm 8/11 rằng tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ có thể “giảm đáng kể” và lạm phát có thể gia tăng. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ lại cho biết, thâm hụt thương mại của nước này đang “co” lại và tháng thứ bảy liên tiếp xuất khẩu của Mỹ tăng mạnh khi đồng USD yếu so với các đồng tiền mạnh khác.

Phố Wall gặp lại ngày thứ sáu đen tối

Phố Wall lại kết thúc một tuần hỗn loạn với một ngày thứ Sáu mất điểm mạnh sau khi những người hùng tài chính công bố các khoản lỗ lớn hơn từ các danh mục nợ của họ. Điều này làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư về sự suy sụp của thị trường tín dụng với những dấu hiệu phản kháng yếu ớt. Cả 3 “ông trùm” tài chính của Mỹ - Bank of America, JP Morgan và Wachovia đều nhận xét rằng khủng hoảng tín dụng sẽ còn cắt thêm một khoanh nữa trong chiếc bánh lợi nhuận của quý 4.

Bank of America nhận xét, sự lệch lạc của thị trường sẽ ảnh hưởng đến doanh thu quý 4 của họ. JP Morgan cho biết rằng các điều kiện khó khăn có thể gây ra nhiều tổn thất trong quý 4 nhưng không tiết lộ con số tổn thất ước tính. Wachovia, ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ, thông báo mức tổn thất trị giá 1,1 tỉ USD chỉ riêng trong tháng 10.

Todd Salamone, giám đốc giao dịch tại Schaeffer bình luận: “Thật khó để kiểm soát mức độ lan rộng của tình trạng suy thoái, và sự bất ổn này không đưa ra một lý do nào để các nhà đầu tư có thể tin tưởng rằng đây là điểm đáy của thị trường”.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/11, Standard & Poor 500 mất 21,07 điểm (1,4%) xuống ở mức 1.453,7 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 223,55 điểm (1,7%), xuống ở mức 13.042,74 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 68,06 điểm (2,5%), xuống còn 2.627,94 điểm. Số lượng Cổ phiếu giảm giá áp đảo Cổ phiếu tăng giá với tỉ lệ 3:1.

Tính cả tuần, chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều giảm với các mức độ lần lượt là 3,7%, 4,1% và 6,5%, đấy là mức giảm mạnh nhất của Dow kể từ tháng 7 và cũng là mức mất mát lớn nhất của Nasdaq tính từ tháng 4/2002.

Cổ phiếu của Qualcomm, nhà sản xuất chip điện thoại lớn thứ hai nước Mỹ, là đầu tàu kéo các cổ phiếu ngành công nghệ xuống mức suy giảm trong tuần mạnh nhất trong 5 năm. Cổ phiếu Qualcomm mất 1,66 USD (4,2%), còn ở mức 38,1 USD, số điểm mất mát lớn nhất kể từ 15/8. Công ty này đã dự đoán về lợi nhuận trên một cổ phiếu trong năm 2008 giảm 30 cent, xuống còn 2,03 USD. Một điều tra của Bloomberg lại ước tính con số này là 2,14 USD.

Chỉ số Russell 2000 mất 1,1%, xuống còn 772,38 điểm. Chỉ số Dow Jones Wilshire 5000, thước đo rộng nhất của các cổ phiếu Mỹ mất 1,4% xuống còn 14.709,29 điểm.

Âu - Á trượt cùng vết xe xuống dốc

Chứng khoán châu Âu giảm mạnh nhất trong 2 tháng với lo ngại rằng đồng USD yếu sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty công nghệ và hoá chất cùng với các bản báo cáo thua lỗ của ngân hàng có liên quan đến các khoản nợ xấu ở Mỹ.

Đóng cửa giao dịch ngày 9/11, Dow Jones Stoxx 600 mất 1,6%, còn ở mức 367,57 điểm, mức sụt giảm lớn nhất kể từ 7/9, nới rộng biên độ xuống dốc trong cả tuần của chỉ số này ra 3,3% và gần như xoá sạch những kết quả đã đạt được trong năm nay. Các chỉ số quốc gia tại 18 thị trường Tây Âu đều giảm, ngoại trừ Bồ Đào Nha và Ireland. FTSE 100 của Anh mất 1,2%, CAC 40 của Pháp giảm 1,9%, DAX của Đức giảm 0,1%, Stoxx 50 mất 1,7% và Euro Stoxx 50 mất 1,5%.

Cùng lúc đó, chứng khoán châu Á có mức giảm trong tuần mạnh nhất kể từ tháng 8. Tất cả các chỉ số chính trên thị trường Nhật Bản và Trung Quốc đều sụt giảm mạnh. Hans Goetti, chuyên viên quản lý quỹ tại Liechtenstein AG, Singapore nhận xét:

“Sự mất cân bằng trong các khoản vay thế chấp và suy sụp của hệ thống ngân hàng Mỹ chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực lớn cho chứng khoán.” Trong khi đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết rằng Chính phủ Trung Quốc có thể trì hoãn việc cho phép các nhà đầu tư đại lục được mua Cổ phiếu trên thị trường Hồng Kông.

Tuần này, chỉ số châu Á- Thái Bình Dương Morgan Stanley mất 3,38%, xuống mức 162,84 điểm, mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ 17/8. Nikkei 225 của Nhật mất 5,7%, đây là mức giảm tuần tồi tệ hàng thứ hai trong năm nay.

Ngày 9/11, báo Nikkei cho biết, công ty chứng khoán Mizuho đã thua lỗ khoản 100 tỉ Yên từ những khoản chứng khoán liên quan đến thế chấp. Cổ phiếu của tập đoàn Mizuho Financial mất 13%, còn ở mức 531.000 Yên, mức giảm 5 ngày mạnh nhất kể từ 3/8. Cổ phiếu của tập đoàn Orix, công ty tài chính phi ngân hàng lớn nhất nước Nhật, mất 11%, còn ở mức 19.130 Yên. Cổ phiếu của Nintendo, nhà sản xuất trò chơi Wii bán chạy nhất , mất 14%, còn ở mức 61.200 Yên. Merrill Lynch đã hạ mức định giá cổ phiếu này từ “mua” xuống “trung lập”.