Điểm mặt “nạn nhân” khủng hoảng tài chính 2008
Nhìn lại những vụ đổ vỡ tiêu biểu trong ngành tài chính - ngân hàng thế giới trong năm 2008 dưới tác động của khủng hoảng
Được “châm ngòi” bằng hoạt động cho vay cầm cố nhà dễ dãi và thiếu kiểm soát ở Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ mùa hè năm 2007 như một vết dầu loang khắp thế giới.
Đặc biệt, từ khi khủng hoảng leo thang từ đầu tháng 9 tới nay, cùng với sự đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống ngân hàng và những hàn thử biểu liên tục đỏ rực của thị trường chứng khoán thế giới, nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào trạng thái giảm tốc mạnh mẽ, tiến sát bờ vực suy thoái.
Cho tới giờ phút này, chưa ai có thể dự báo đâu là điểm kết của khủng hoảng, và danh sách những “nạn nhân” của cuộc khủng hoảng này liệu còn dài ra thêm hay chỉ dừng ở đây. Tuy nhiên, cuối năm có lẽ là một thời điểm hợp lý để điểm qua những vụ đổ vỡ lớn trong hệ thống ngân hàng thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Cần nói thêm, khủng hoảng tài chính thậm chí còn khiến không ít quốc gia rơi vào nguy cơ vỡ nợ.
1. Bear Stearns
Ngày 16/3, Bear Stearns - một trong 5 ngân hàng đầu tư hàng đầu của Phố Wall - đã bị “sang tay” cho ngân hàng JP Morgan Chase với mức giá “rẻ như bèo” là xấp xỉ 240 triệu USD, tương đương 2 USD/cổ phiếu. Cách đó 1 năm, giá cổ phiếu của tập đoàn 85 năm tuổi này là 170 USD/cổ phiếu.
Như nhiều ngân hàng đầu tư khác, ở thời kỳ đỉnh cao của thị trường nhà đất Mỹ, với hoạt động cho vay cầm cố nhà diễn ra sôi động, Bear Stearns đã đầu tư lớn vào việc mua lại các danh mục nợ địa ốc từ các ngân hàng, rồi dựa vào đó để phát hành trái phiếu nợ bất động sản (mortgage-backed securities - MBS) để bán ra thị trường.
Khi giá nhà đất sụt giảm, giá các loại chứng khoán này cũng lao dốc theo, khiến Bear Stearns lỗ tới 3,2 tỷ USD. Trước đó, hai quỹ phòng hộ của Bear Stearns cũng đã sụp đổ. Trước nguy cơ phá sản, Bear Stearns không còn cách nào khác đành chấp nhận bị JP Morgan Chase “thôn tính”.
2. Lehman Brothers
Tập đoàn này xuất thân từ một công ty buôn bán bông hàng đầu ở Mỹ hồi giữa thế kỷ 19. Trải qua nhiều thăng trầm và vài lần sáp nhập rồi tách riêng, Lehman gia nhập nhóm “ngũ đại thiên vương” của Phố Wall - gồm 5 ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bear Stearns, Lehman Brothers và Merrill Lynch.
Tuy nhiên, tới ngày 15/9 vừa qua, Lehman đã nộp đơn xin phá sản theo quy định của Luật phá sản Mỹ, chấm dứt lịch sử 158 năm. Kết cục đáng buồn của Lehman bắt nguồn từ “canh bạc” vay nợ thái quá để đầu tư vào các loại MBS đầy rủi ro để rồi thua lỗ chồng chất. Không thể huy động được vốn và hoàn toàn mất thanh khoản, phá sản là lựa chọn duy nhất còn sót lại cho Lehman.
“Chìm xuồng” với khoản nợ khổng lồ 613 tỷ USD, vụ phá sản của Lehman được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử.
3. Merrill Lynch
Là ngân hàng đầu tư với 94 năm lịch sử, Merrill Lynch đã thua lỗ 14 tỷ USD do khủng hoảng tín dụng và đối mặt nguy cơ sụp đổ. Giám đốc điều hành (CEO) John Thain của Merrill Lynch được giới quan sát cho là khá khôn ngoan khi nhanh chóng dàn xếp vụ bán lại tập đoàn này cho ngân hàng Bank of America.
Với vụ bán lại này, Merrill vừa tránh được nguy cơ phá sản, vừa tránh được nguy cơ bị “ép giá” như Bear Stearns một khi tình hình trở nên quá nguy ngập. Mức giá mà Bank of America bỏ ra để có được Merrill là xấp xỉ 50 tỷ USD, tương đương 29 USD/cổ phiếu.
Sau khi Bear Stearns và Merill Lynch bị thâu tóm, Lehman Brothers phá sản, hai ngân hàng đầu tư còn “sống sót” trong nhóm 5 ngân hàng đầu tư hàng đầu của Phố Wall là Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng bất ngờ chuyển đổi sang mô hình ngân hàng tổng hợp để có thể huy động vốn qua dịch vụ tiền gửi tiết kiệm, nhằm đảm bảo sự tồn tại.
Sự chuyển đổi mô hình của hai ngân hàng đầu tư này đánh dấu sự chấm dứt của mô hình ngân hàng đầu tư độc lập vốn một thời làm mưa làm gió ở Phố Wall.
4. Washington Mutual (WaMu)
Đây từng là ngân hàng tiết kiệm lớn nhất ở Mỹ, nhưng đã bị các nhà chức trách nước này tiến hành các thủ tục đóng cửa hôm 25/9 vừa qua. Vụ đổ vỡ này hiện là vụ đổ vỡ ngân hàng bán lẻ lớn nhất trong lịch sử nước này.
Có lịch sử 119 năm, tài sản lên tới 307 tỷ USD và 2.300 chi nhánh tại 15 bang, trước khi bị các nhà chức trách tiếp quản, WaMu còn là ngân hàng cho vay dưới chuẩn lớn thứ hai ở Mỹ, sau ngân hàng Wachovia.
Hoạt động cho vay mua nhà quá “cởi mở”, tiếp đó là tỷ lệ vỡ nợ của khách vay tăng cao cùng với sự trượt dốc của thị trường địa ốc Mỹ, trong khi khách hàng tiết kiệm lại đẩy mạnh rút tiền, đã khiến Washington Mututal rơi vào kết cục này.
Trong vòng 1 năm tính tới ngày bị đóng cửa, giá cổ phiếu của WaMu đã sụt giảm tới 95%. Sau khi quyết định tiếp quản WaMu được các nhà chức trách công bố, giá cổ phiếu của ngân hàng này chỉ còn có 0,45 USD/cổ phiếu.
JPMorgan Chase, ngân hàng từng mua lại Bear Stearns như đã nói ở trên, ngay lập tức đã mua lại WaMu với giá 1,9 tỷ USD.
5. Wachovia
Chưa đầy một tuần sau khi WaMu trở thành “dĩ vãng”, một “đại gia” ngân hàng khác của Mỹ là Wachovia cũng bị Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đóng cửa và dàn xếp bán lại cho tập đoàn Citigroup.
Là ngân hàng lớn thứ 6 ở Mỹ xét về giá trị tài sản, nhưng Wachovia lại ngân hàng cho vay theo loại hình lãi suất thả nổi tùy chọn (option-ARM) lớn nhất ở nước này. Đây chính là một loại hình cho vay dưới chuẩn. Lượng tiền cho vay địa ốc dưới chuẩn của Wachovia ở thời điểm bị đóng cửa lên tới 122 tỷ USD. Loại hình option-ARM này hiện có tỷ lệ vỡ nợ cao, vì cho phép người vay có thể bỏ qua việc trả lãi và bổ sung tiền lãi này vào tiền gốc.
Về sau, Wells Fargo, một ngân hàng lớn khác của Mỹ đã tranh chấp với Citigroup để giành quyền mua lại Wachovia. Kết quả, Wells Fargo đã thắng và có được Wachovia với giá 15,1 tỷ USD.
Trong số “nạn nhân” khủng hoảng là ngân hàng thương mại của Mỹ, còn phải kể đến vụ đóng cửa ngân hàng IndyMac có tài sản 32 tỷ USD và 19 tỷ USD tiền gửi của khách hàng. Gộp chung, từ đầu năm nay tới ngày 13/12, số ngân hàng bán lẻ ở Mỹ bị giải thể đã lên tới con số 25 ngân hàng.
6. Các tập đoàn được chính phủ giải cứu
Ngoài những ngân hàng bị thâu tóm hoặc giải thể như trên, cần phải “điểm mặt” những tập đoàn tài chính - ngân hàng được chính phủ Mỹ và các nước châu Âu tiếp quản hoặc rót vốn.
Trước tiên, không thể không kể tới vụ Chính phủ Mỹ tiếp quản hai tập đoàn tài chính địa ốc lớn nhất nước này là Fannie Mae và Freddie Mac hôm 6/9. Đây có thể được xem là vụ can thiệp vào doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay ở Mỹ. Các nhà chức trách cho rằng, nếu để Fannie và Freddie đổ vỡ, đó sẽ là “thảm hoạ” đối với nước Mỹ.
Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ ngay lập tức mua lại 1 tỷ USD cổ phần trong mỗi tập đoàn dưới dạng cổ phiếu ưu đãi cấp cao. Nếu cần thiết, Bộ Tài chính có thể sẽ bơm số tiền lên tới 100 tỷ USD vào mỗi tập đoàn.
Tới ngày 17/9, Chính phủ Mỹ lại bất ngờ tuyên bố tiếp quản hãng bảo hiểm AIG để ngăn nguy cơ phá sản của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ này. Tới tháng 11, Chính phủ Mỹ đã bơm tới 152,5 tỷ USD vào tập đoàn này.
Đến ngày 23/11 vừa qua, Chính phủ Mỹ cũng phải ra tay giải cứu một ngân hàng lớn nữa là Citigroup. Theo đó, Chính phủ sẽ bảo lãnh cho lượng nợ xấu địa ốc và các tài sản “độc hại” khác với tổng trị giá 306 tỷ USD của Citigroup, đồng thời "bơm" thêm 20 tỷ USD cho ngân hàng này.
Với sự hiện diện khắp thế giới, AIG và Citigroup vẫn được coi là những tập đoàn “quá lớn để đổ vỡ”, vì sự đổ vỡ của các tập đoàn này có thể kéo theo sự sụp đổ dây chuyền trong ngành tài chính toàn cầu.
Ngành công nghiệp xe hơi Mỹ những ngày này cũng đang chới với bên bờ vực phá sản, sau khi Thượng viện nước này từ chối kế hoạch giải cứu 14 tỷ USD dành cho GM và Chrysler. Tuy nhiên, có khả năng, Chính phủ Mỹ sẽ dùng tới tiền trong kế hoạch 700 tỷ USD giải cứu ngành tài chính để ngăn sự đổ vỡ của các hãng xe.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các nước châu Âu cũng “cuống cuồng” can thiệp vào ngành ngân hàng để tránh sự đổ vỡ. Tại Anh, hai ngân hàng lớn là Northern Rock, Bradford & Bingley đã bị quốc hữu hoá, còn một ngân hàng lớn khác là HBOS đã bị đối thủ khác “nuốt chửng”. 3 ngân hàng lớn nhất Iceland là Kaupthing, Landsbanki và Glitnir cũng lần lượt bị quốc hữu hóa.
Nhiều ngân hàng khác ở châu Âu cũng đã tan rã nếu không có sự can thiệp kịp thời của chính phủ như ngân hàng Fortis và Dexia của Bỉ, Hypo Real Estate của Đức…
7. Những “nạn nhân” cấp quốc gia
Không chỉ có các ngân hàng và tập đoàn tài chính, khủng hoảng tài chính cũng khiến nhiều quốc gia rơi vào nguy cơ vỡ nợ.
Trong nhóm nạn nhân này, phải kể tới đầu tiên là Iceland. Quốc đảo nhỏ bé với hơn 300.000 dân này có một hệ thống ngân hàng rất phát triển, với lượng vay nợ từ bên ngoài lên tới 150 tỷ USD, bằng 8 lần GDP của nước này. Đó là lý do vì sao mà Iceland “lâm nạn” khi khủng hoảng tài chính lan tới châu Âu. Sự mất giá nghiêm trọng của đồng Krona của Iceland cùng với số nợ khổng lồ trên của ngành ngân hàng đã khiến Iceland có thể đã vỡ nợ nếu không có sự trợ giúp của IMF.
Bên cạnh đó, còn có hàng loạt quốc gia đang phát triển như Ukraine, Pakistan, Belarus, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng phải “gõ cửa” Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xin vay tiền để tránh rơi vào bi kịch vỡ nợ, sau khi giới đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn, dự trữ ngoại hối sụt giảm, và đồng nội tệ mất giá mạnh.
Đặc biệt, từ khi khủng hoảng leo thang từ đầu tháng 9 tới nay, cùng với sự đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống ngân hàng và những hàn thử biểu liên tục đỏ rực của thị trường chứng khoán thế giới, nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào trạng thái giảm tốc mạnh mẽ, tiến sát bờ vực suy thoái.
Cho tới giờ phút này, chưa ai có thể dự báo đâu là điểm kết của khủng hoảng, và danh sách những “nạn nhân” của cuộc khủng hoảng này liệu còn dài ra thêm hay chỉ dừng ở đây. Tuy nhiên, cuối năm có lẽ là một thời điểm hợp lý để điểm qua những vụ đổ vỡ lớn trong hệ thống ngân hàng thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Cần nói thêm, khủng hoảng tài chính thậm chí còn khiến không ít quốc gia rơi vào nguy cơ vỡ nợ.
1. Bear Stearns
Ngày 16/3, Bear Stearns - một trong 5 ngân hàng đầu tư hàng đầu của Phố Wall - đã bị “sang tay” cho ngân hàng JP Morgan Chase với mức giá “rẻ như bèo” là xấp xỉ 240 triệu USD, tương đương 2 USD/cổ phiếu. Cách đó 1 năm, giá cổ phiếu của tập đoàn 85 năm tuổi này là 170 USD/cổ phiếu.
Như nhiều ngân hàng đầu tư khác, ở thời kỳ đỉnh cao của thị trường nhà đất Mỹ, với hoạt động cho vay cầm cố nhà diễn ra sôi động, Bear Stearns đã đầu tư lớn vào việc mua lại các danh mục nợ địa ốc từ các ngân hàng, rồi dựa vào đó để phát hành trái phiếu nợ bất động sản (mortgage-backed securities - MBS) để bán ra thị trường.
Khi giá nhà đất sụt giảm, giá các loại chứng khoán này cũng lao dốc theo, khiến Bear Stearns lỗ tới 3,2 tỷ USD. Trước đó, hai quỹ phòng hộ của Bear Stearns cũng đã sụp đổ. Trước nguy cơ phá sản, Bear Stearns không còn cách nào khác đành chấp nhận bị JP Morgan Chase “thôn tính”.
2. Lehman Brothers
Tập đoàn này xuất thân từ một công ty buôn bán bông hàng đầu ở Mỹ hồi giữa thế kỷ 19. Trải qua nhiều thăng trầm và vài lần sáp nhập rồi tách riêng, Lehman gia nhập nhóm “ngũ đại thiên vương” của Phố Wall - gồm 5 ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bear Stearns, Lehman Brothers và Merrill Lynch.
Tuy nhiên, tới ngày 15/9 vừa qua, Lehman đã nộp đơn xin phá sản theo quy định của Luật phá sản Mỹ, chấm dứt lịch sử 158 năm. Kết cục đáng buồn của Lehman bắt nguồn từ “canh bạc” vay nợ thái quá để đầu tư vào các loại MBS đầy rủi ro để rồi thua lỗ chồng chất. Không thể huy động được vốn và hoàn toàn mất thanh khoản, phá sản là lựa chọn duy nhất còn sót lại cho Lehman.
“Chìm xuồng” với khoản nợ khổng lồ 613 tỷ USD, vụ phá sản của Lehman được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử.
3. Merrill Lynch
Là ngân hàng đầu tư với 94 năm lịch sử, Merrill Lynch đã thua lỗ 14 tỷ USD do khủng hoảng tín dụng và đối mặt nguy cơ sụp đổ. Giám đốc điều hành (CEO) John Thain của Merrill Lynch được giới quan sát cho là khá khôn ngoan khi nhanh chóng dàn xếp vụ bán lại tập đoàn này cho ngân hàng Bank of America.
Với vụ bán lại này, Merrill vừa tránh được nguy cơ phá sản, vừa tránh được nguy cơ bị “ép giá” như Bear Stearns một khi tình hình trở nên quá nguy ngập. Mức giá mà Bank of America bỏ ra để có được Merrill là xấp xỉ 50 tỷ USD, tương đương 29 USD/cổ phiếu.
Sau khi Bear Stearns và Merill Lynch bị thâu tóm, Lehman Brothers phá sản, hai ngân hàng đầu tư còn “sống sót” trong nhóm 5 ngân hàng đầu tư hàng đầu của Phố Wall là Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng bất ngờ chuyển đổi sang mô hình ngân hàng tổng hợp để có thể huy động vốn qua dịch vụ tiền gửi tiết kiệm, nhằm đảm bảo sự tồn tại.
Sự chuyển đổi mô hình của hai ngân hàng đầu tư này đánh dấu sự chấm dứt của mô hình ngân hàng đầu tư độc lập vốn một thời làm mưa làm gió ở Phố Wall.
4. Washington Mutual (WaMu)
Đây từng là ngân hàng tiết kiệm lớn nhất ở Mỹ, nhưng đã bị các nhà chức trách nước này tiến hành các thủ tục đóng cửa hôm 25/9 vừa qua. Vụ đổ vỡ này hiện là vụ đổ vỡ ngân hàng bán lẻ lớn nhất trong lịch sử nước này.
Có lịch sử 119 năm, tài sản lên tới 307 tỷ USD và 2.300 chi nhánh tại 15 bang, trước khi bị các nhà chức trách tiếp quản, WaMu còn là ngân hàng cho vay dưới chuẩn lớn thứ hai ở Mỹ, sau ngân hàng Wachovia.
Hoạt động cho vay mua nhà quá “cởi mở”, tiếp đó là tỷ lệ vỡ nợ của khách vay tăng cao cùng với sự trượt dốc của thị trường địa ốc Mỹ, trong khi khách hàng tiết kiệm lại đẩy mạnh rút tiền, đã khiến Washington Mututal rơi vào kết cục này.
Trong vòng 1 năm tính tới ngày bị đóng cửa, giá cổ phiếu của WaMu đã sụt giảm tới 95%. Sau khi quyết định tiếp quản WaMu được các nhà chức trách công bố, giá cổ phiếu của ngân hàng này chỉ còn có 0,45 USD/cổ phiếu.
JPMorgan Chase, ngân hàng từng mua lại Bear Stearns như đã nói ở trên, ngay lập tức đã mua lại WaMu với giá 1,9 tỷ USD.
5. Wachovia
Chưa đầy một tuần sau khi WaMu trở thành “dĩ vãng”, một “đại gia” ngân hàng khác của Mỹ là Wachovia cũng bị Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đóng cửa và dàn xếp bán lại cho tập đoàn Citigroup.
Là ngân hàng lớn thứ 6 ở Mỹ xét về giá trị tài sản, nhưng Wachovia lại ngân hàng cho vay theo loại hình lãi suất thả nổi tùy chọn (option-ARM) lớn nhất ở nước này. Đây chính là một loại hình cho vay dưới chuẩn. Lượng tiền cho vay địa ốc dưới chuẩn của Wachovia ở thời điểm bị đóng cửa lên tới 122 tỷ USD. Loại hình option-ARM này hiện có tỷ lệ vỡ nợ cao, vì cho phép người vay có thể bỏ qua việc trả lãi và bổ sung tiền lãi này vào tiền gốc.
Về sau, Wells Fargo, một ngân hàng lớn khác của Mỹ đã tranh chấp với Citigroup để giành quyền mua lại Wachovia. Kết quả, Wells Fargo đã thắng và có được Wachovia với giá 15,1 tỷ USD.
Trong số “nạn nhân” khủng hoảng là ngân hàng thương mại của Mỹ, còn phải kể đến vụ đóng cửa ngân hàng IndyMac có tài sản 32 tỷ USD và 19 tỷ USD tiền gửi của khách hàng. Gộp chung, từ đầu năm nay tới ngày 13/12, số ngân hàng bán lẻ ở Mỹ bị giải thể đã lên tới con số 25 ngân hàng.
6. Các tập đoàn được chính phủ giải cứu
Ngoài những ngân hàng bị thâu tóm hoặc giải thể như trên, cần phải “điểm mặt” những tập đoàn tài chính - ngân hàng được chính phủ Mỹ và các nước châu Âu tiếp quản hoặc rót vốn.
Trước tiên, không thể không kể tới vụ Chính phủ Mỹ tiếp quản hai tập đoàn tài chính địa ốc lớn nhất nước này là Fannie Mae và Freddie Mac hôm 6/9. Đây có thể được xem là vụ can thiệp vào doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay ở Mỹ. Các nhà chức trách cho rằng, nếu để Fannie và Freddie đổ vỡ, đó sẽ là “thảm hoạ” đối với nước Mỹ.
Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ ngay lập tức mua lại 1 tỷ USD cổ phần trong mỗi tập đoàn dưới dạng cổ phiếu ưu đãi cấp cao. Nếu cần thiết, Bộ Tài chính có thể sẽ bơm số tiền lên tới 100 tỷ USD vào mỗi tập đoàn.
Tới ngày 17/9, Chính phủ Mỹ lại bất ngờ tuyên bố tiếp quản hãng bảo hiểm AIG để ngăn nguy cơ phá sản của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ này. Tới tháng 11, Chính phủ Mỹ đã bơm tới 152,5 tỷ USD vào tập đoàn này.
Đến ngày 23/11 vừa qua, Chính phủ Mỹ cũng phải ra tay giải cứu một ngân hàng lớn nữa là Citigroup. Theo đó, Chính phủ sẽ bảo lãnh cho lượng nợ xấu địa ốc và các tài sản “độc hại” khác với tổng trị giá 306 tỷ USD của Citigroup, đồng thời "bơm" thêm 20 tỷ USD cho ngân hàng này.
Với sự hiện diện khắp thế giới, AIG và Citigroup vẫn được coi là những tập đoàn “quá lớn để đổ vỡ”, vì sự đổ vỡ của các tập đoàn này có thể kéo theo sự sụp đổ dây chuyền trong ngành tài chính toàn cầu.
Ngành công nghiệp xe hơi Mỹ những ngày này cũng đang chới với bên bờ vực phá sản, sau khi Thượng viện nước này từ chối kế hoạch giải cứu 14 tỷ USD dành cho GM và Chrysler. Tuy nhiên, có khả năng, Chính phủ Mỹ sẽ dùng tới tiền trong kế hoạch 700 tỷ USD giải cứu ngành tài chính để ngăn sự đổ vỡ của các hãng xe.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các nước châu Âu cũng “cuống cuồng” can thiệp vào ngành ngân hàng để tránh sự đổ vỡ. Tại Anh, hai ngân hàng lớn là Northern Rock, Bradford & Bingley đã bị quốc hữu hoá, còn một ngân hàng lớn khác là HBOS đã bị đối thủ khác “nuốt chửng”. 3 ngân hàng lớn nhất Iceland là Kaupthing, Landsbanki và Glitnir cũng lần lượt bị quốc hữu hóa.
Nhiều ngân hàng khác ở châu Âu cũng đã tan rã nếu không có sự can thiệp kịp thời của chính phủ như ngân hàng Fortis và Dexia của Bỉ, Hypo Real Estate của Đức…
7. Những “nạn nhân” cấp quốc gia
Không chỉ có các ngân hàng và tập đoàn tài chính, khủng hoảng tài chính cũng khiến nhiều quốc gia rơi vào nguy cơ vỡ nợ.
Trong nhóm nạn nhân này, phải kể tới đầu tiên là Iceland. Quốc đảo nhỏ bé với hơn 300.000 dân này có một hệ thống ngân hàng rất phát triển, với lượng vay nợ từ bên ngoài lên tới 150 tỷ USD, bằng 8 lần GDP của nước này. Đó là lý do vì sao mà Iceland “lâm nạn” khi khủng hoảng tài chính lan tới châu Âu. Sự mất giá nghiêm trọng của đồng Krona của Iceland cùng với số nợ khổng lồ trên của ngành ngân hàng đã khiến Iceland có thể đã vỡ nợ nếu không có sự trợ giúp của IMF.
Bên cạnh đó, còn có hàng loạt quốc gia đang phát triển như Ukraine, Pakistan, Belarus, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng phải “gõ cửa” Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xin vay tiền để tránh rơi vào bi kịch vỡ nợ, sau khi giới đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn, dự trữ ngoại hối sụt giảm, và đồng nội tệ mất giá mạnh.