“Điểm nghẽn” cản trở cơ hội phục hồi ngành hàng không
Để đạt mức tăng trưởng như trước dịch, những "điểm nghẽn" về hạ tầng hàng không phải nhanh chóng được tháo gỡ và cởi bỏ những rào cản đối với hành khách...
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 2/2022, tính từ ngày 19/01 đến 18/02, tất cả các hãng hàng không Việt Nam thực hiện được 25.220 chuyến bay, tăng 20,4% so với cùng kỳ và bật tăng mạnh mẽ 106,4% so với tháng trước. Sự tăng trưởng đột biến về hành khách và số lượng chuyến bay khai thác của ngành hàng không được ví von như “lò xo” bị nén chặt gần 2 năm, nay là lúc bật lên mạnh mẽ.
CHẶNG ĐƯỜNG DÀI ĐỂ LẤY LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT
Các loại hình vận tải khách hàng không hoạt động trở lại từ tháng 10/2021 và tăng dần về tần suất hoạt động đáp ứng được nhu cần đi lại của hành khách.
Riêng hàng không quốc tế, tính đến nay, Việt Nam mở lại đường bay đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Campuchia, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Qatar, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Australia, Nga và Mỹ. Còn lại 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macau, Phần Lan, Italy và Thụy Sỹ.
Số liệu từ Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho thấy, hiện tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi, đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày.
Tuy nhiên, chỉ đạt khiêm tốn khoảng 10% nếu so sánh với tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày.
Đối với vận tải nội địa, theo Vụ Vận tải, hiện nay có 6 hãng hàng không, gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và VASCO, khai thác 56 đường bay nội địa với tổng tần suất 2.570 chuyến/tuần/chiều, tương đương 367 chuyến/chiều/ngày, giảm tương ứng 2 đường bay và giảm 217 chuyến/tuần/chiều, tương đương với 31 chuyến bay/chiều/ngày so với lịch bay mùa đông năm 2019.
Về lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước trong tháng 2 ước tăng 57,8% so với tháng 2/2021, đạt hơn 6,1 triệu khách.
Đánh giá về tín hiệu khởi sắc của ngành hàng không đầu năm 2022 tại tọa đàm Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới, vừa tổ chức, ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết tính đến ngày 23/2, có khoảng 200.000 khách quốc tế đến Việt Nam.
“Con số này còn rất nhỏ so với lượng khách 4 triệu khách/tháng thời kỳ cao điểm năm 2019 nhưng vẫn là con số ấn tượng vì chúng ta vừa mở lại sau thời kỳ dịch”, ông Đăng chia sẻ.
Bởi trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi, đến Việt Nam khoảng từ 40-50 nghìn khách/tháng.
Tuy nhiên, ông Đăng cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi đường bay quốc tế mới chỉ tập trung đến Hà Nội, TP.HCM, còn những điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc, Đà Nẵng, Vân Đồn, các hãng hàng không nước ngoài vẫn chưa khai thác. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là Cục cũng nhận được rất nhiều đề nghị từ quốc tế mở lại đường bay đến Việt Nam ở khu vực miền Trung, đặc biệt từ châu Âu, Nga...
Dự báo về kịch bản tăng trưởng trung bình năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam dự đoán thị trường hàng không Việt Nam sẽ đón 42-43 triệu hành khách, tương đương hơn 50% so với năm 2019, nhưng so với sự “trắng tay” trong 2 năm dịch vừa qua, đây là một tín hiệu đáng mừng. Trong đó, Cục dự báo, Việt Nam sẽ đón khoảng 6 triệu khách du lịch trong tổng số khoảng 8 triệu khách quốc tế.
Với việc gỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thường lệ và không thường lệ quốc tế từ ngày 15/2, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới, trong đó khoảng 70% là khách du lịch. Việc hàng không mở đường bay, tăng tần suất sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phát triển. Du lịch phát triển lại mang nguồn khách rất lớn, hỗ trợ cho ngành hàng không.
QUÁ TẢI HẠ TẦNG, TÂM LÝ HÀNH KHÁCH VẪN CẢN BƯỚC
Trái với sự khởi sắc của số chuyến bay thực hiện thành công, theo tổng hợp số liệu khai thác các chuyến bay của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ bay đúng giờ của các hãng bay đều sụt giảm mạnh.
Chẳng hạn như VietJet Air, dù số chuyến bay tăng trưởng mạnh nhất (146,8%), nhưng hãng cũng giữ vị trí “quán quân” trong chậm chuyến với tỷ lệ 23,5%, nghĩa là cứ 4 chuyến bay, sẽ có 1 chuyến trễ giờ. Tỷ lệ đúng giờ của Vietjet Air sụt giảm 15,2% so với cùng kỳ và giảm mạnh 17,8% so với tháng trước.
Lý giải về hiện tượng chậm, trễ chuyến tăng mạnh vừa qua, theo Cục Hàng không Việt Nam, yếu tố thời tiết bất thường ảnh hưởng tới việc cất, hạ cánh vào một số thời điểm trong Tết tại các cảng hàng không phía Bắc, như: Vinh (tỉnh Nghệ An), Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), Nội Bài (Hà Nội), gây gián đoạn hoạt động, điều chỉnh lịch bay, ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của hành khách và hoạt động của cả dây chuyền hàng không.
Giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu đi lại của người dân đã có bước tăng đột biến, vượt dự báo. Tại một số thời điểm có hiện tượng ùn tắc do quá tải, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất.
TS. Lương Hoài Nam cho rằng: “Đại dịch Covid-19 làm chúng ta quên việc quá tải hạ tầng hàng không sân bay. Thời gian tới, sự phục hồi của du lịch sẽ dẫn đến sự quá tải hạ tầng sân bay”.
Lạc quan về việc ngành hàng không “đi trước một bước” với việc dỡ bỏ hạn chế bay quốc tế từ ngày 15/2, giúp ngành hàng không, du lịch sẽ không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới, tuy nhiên, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng việc mở lại đường bay quốc tế sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam nói chung, với ngành hàng không và du lịch nói riêng.
“Dù các nước trên thế giới kiểm soát được nhưng tâm lý khách hàng vẫn còn là một yếu tố khó đoán. Thị trường cần có giải pháp khôi phục và kích cầu trở lại”, ông Nề đánh giá.
Việc kiểm soát và đảm bảo an toàn cho hành khách, cộng đồng trong tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp là điều cần lưu ý. Mặt khác, thị trường hàng không bị đóng băng gần 2 năm nên phải từng bước khắc phục những dịch vụ đã gãy khúc, doanh nghiệp cần chuẩn bị mọi điều kiện, nhân lực để khai thông lại đường bay.
Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam nhấn mạnh thêm, những rào cản của hàng không cần được tháo gỡ, không chỉ ở Việt Nam mà tại các điểm đi, đến, đối với các nước sở tại có những quy định tạo rào cản, các nước cần đồng cảm và tạo điều kiện. Cần sớm khôi phục lại như trước dịch, đồng bộ và quyết liệt.
Trước đây, cứ 2 tuần Việt Nam thu được 1 tỷ USD doanh thu từ khách quốc tế, trong khi 2 năm vừa qua, Việt Nam bị đình trệ, đóng cửa hoàn toàn.
Vì vậy, TS. Lương Hoài Nam Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi cho rằng, Chính phủ nên mở thoáng, mở thật để hàng không đón khách quốc tế. Trong đó, chính sách visa là vô cùng quan trọng, cần phục hồi ngay 13 nước và mở rộng visa miễn phí cho toàn bộ châu Âu, Australia, NewZeland…
Mặt khác, Việt Nam có 21 sân bay Nhà nước xây dựng và 1 sân bay tư nhân ở Vân Đồn. Số lượng sân bay nhiều nhưng nhỏ. Tổng công suất 22 sân bay chỉ đạt 75 triệu khách/năm, bằng 1 sân bay Changi của Singapore. Muốn có sự phục hồi phải có sự phát triển tương xứng và phải để tư nhân vào phát triển sân bay.