Điện tử, máy tính và linh kiện giữ vững vị trí thứ hai trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực
Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nhóm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2020...
Theo số liệu báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2021 có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,8%).
Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 18,4 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 30,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12 tỷ USD, tăng 76,9%; hàng dệt may đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9%; giày dép đạt 6,4 tỷ USD, tăng 18,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 50,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 28%; sắt thép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 87,9%; thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,1%.
Với kết quả trên, điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau điện thoại và linh kiện), chiếm tỷ trọng 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 4 tháng đầu năm 2021.
Trước đó, từ năm 2019, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,3 tỷ USD, chính thức vượt qua mặt hàng dệt may (giá trị xuất khẩu đạt 32,8 tỷ USD) để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Đến năm 2020, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nhưng nhóm hàng này vẫn đạt tốc độ tăng cao và ổn định vững chắc, với giá trị xuất khẩu đạt 44,6 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, vượt xa xuất khẩu hàng dệt may cả về giá trị, tốc độ tăng và tỷ trọng (hàng dệt may đạt 29,8 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 10,5%).
Về thị trường xuất khẩu, trong năm 2020, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện. Tiếp đến là Mỹ, liên minh châu Âu, Hồng Kông (Trung Quốc)...
Trong vài năm trở lại đây, điện tử đã trở thành ngành công nghiệp trọng yếu của nền kinh tế, do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần có kế hoạch phát triển dài hạn, có sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp; hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.