11:19 15/04/2017

Điều “chưa từng có” trong một dự thảo luật

Nguyễn Lê

Nội dung của dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gây nhiều lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp, theo VCCI

Nhiều doanh nhân bày tỏ lo ngại về dự án luật khi góp ý tại VCCI.
Nhiều doanh nhân bày tỏ lo ngại về dự án luật khi góp ý tại VCCI.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bản góp ý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - một dự án luật đang còn nhiều ý kiến trái chiều.

Đây là những góp ý trên cơ sở ý kiến thảo luận của các doanh nghiệp ở Hà Nội ngày 13/4 và các ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc trong suốt quá trình soạn thảo dự án luật.

Theo VCCI, trong bối cảnh 97-98% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là đạo luật đặc biệt quan trọng đối với tương lai của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như triển vọng chung của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự luật này, đặc biệt khi các văn bản trước đây về doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả rất hạn chế, với các biện pháp hỗ trợ phần lớn là các tuyên bố chung chung, hầu như không thể hiện thực hóa trên thực tế.

Thế nhưng, nội dung của dự thảo lại gây nhiều lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp về tính hiệu quả và khả thi của dự luật này, nếu được thông qua.

Lấy tiền ở đâu?

Bản góp ý nêu rõ, so với các dự thảo trước đây, dự thảo hoàn thiện vào tháng 3/2017 và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội đã thành công trong việc nhận diện và giới hạn các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở 7 biện pháp hỗ trợ chung. Gồm tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu :chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ ngoài việc nhận diện này ra, dự thảo dường như chưa có các quy định cụ thể về các nguyên tắc, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp này. Một số trường hợp có quy định về biện pháp hỗ trợ thì hoặc là chỉ dẫn chiếu tới pháp luật khác hiện đang có hiệu lực, không có gì mới, cũng không có gì ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc là quá chung chung, hoặc là không khả thi.

Điển hình nhất về các biện pháp hỗ trợ chỉ có tên gọi chính là quy định về biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng (điều 8).

Ngoài việc nêu tên biện pháp, điều 8 không chỉ ra được biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng này thực chất là biện pháp gì, chưa nói tới chuyện các biện pháp đó sẽ vận hành như thế nào, nguồn từ đâu, cho đối tượng nào…:

Chẳng hạn khoản 3 điều này quy định: quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổ chức tài chính, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng... mà không có quy định nào về tính chất pháp lý của tổ chức này (có phải tổ chức tài chính nằm trong phạm vi áp dụng của Luật Các tổ chức tín dụng không? Nếu không thì nằm ở đâu? Nếu có thì tổ chức này là tư nhân hay Nhà nước? Nếu kinh doanh thì việc bảo lãnh thua lỗ ai chịu trách nhiệm? Tiền dùng để bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước lấy từ đâu? doanh nghiệp nào sẽ được hưởng bảo lãnh?...

VCCI cũng chỉ ra một số biện pháp hỗ trợ không có bất kỳ dự liệu gì về cơ chế hỗ trợ cũng như hiệu quả tương ứng mà rõ nét nhất là quy định về biện pháp hỗ trợ thuế

Một loạt các vấn đề cốt lõi về cơ chế hỗ trợ không được dự thảo đề cập: mức thuế suất thấp hơn là thấp hơn bao nhiêu? một mức thấp hơn hay nhiều mức thấp hơn khác nhau? đối tượng được hưởng phải đáp ứng các điều kiện nào hay cứ là doanh nghiệp nhỏ và vừa là được hưởng?...

Khiếm khuyết đáng kể

Theo VCCI, dự thảo hiện chưa có quy định nào về cơ chế công nhận/xác nhận doanh nghiêp nhỏ và vừa dù là để hưởng các biện pháp hỗ trợ chung hay các biện pháp hỗ trợ mục tiêu. Trong khi đó, cơ chế này sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả hỗ trợ thực tế của các biện pháp. 

Việc thiếu vắng hoàn toàn các quy định về các cơ chế này có thể là một khiếm khuyết đáng kể của dự thảo - văn bản nêu rõ.

Điểm "đặc biệt" của dự thảo còn nằm ở các chủ thể thực hiện việc hỗ trợ khi đã dành một nửa số lượng các điều khoản (16 điều trong tổng số 32 điều (không tính các điều khoản về xử lý vi phạm, chuyển tiếp, thời gian hiệu lực…), để quy định về trách nhiệm thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có tới 10 điều quy định về trách nhiệm của Chính phủ và từng bộ liên quan.

Đây dường như là điều chưa từng có trong tiền lệ các văn bản luật, bởi thông thường thì các điều khoản về trách nhiệm thực hiện chỉ khoảng 1-2 điều trong chương về tổ chức thực hiện mà thôi, VCCI nhấn mạnh.

Theo VCCI, điều này còn cho thấy thực tế là các quy định nội dung trong dự thảo thiếu vắng hoàn toàn các quy định về cơ chế, cách thức thực hiện, cơ quan có thẩm quyền. Và vì vậy có lẽ ban soạn thảo muốn bù đắp bằng quy định trong ít nhất là 12 điều về trách nhiệm của chủ thể hỗ trợ?.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, ngay cả khi mục tiêu này của ban soạn thảo là hợp lý thì thực tế dự thảo đã không đáp ứng được mục tiêu này khi mà phần lớn các quy định về trách nhiệm của từng bộ ngành thực chất là nhắc lại điều 20 (về trách nhiệm chung của các bộ) và các vấn đề hỗ trợ tương ứng với trách nhiệm quản lý của Bộ ngành đã nêu trong phần các biện pháp hỗ trợ (không có chỉ dẫn nào mới hơn).

Trước khi được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5 tới, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận thêm một lần vào phiên họp tháng 4/2017.