10:00 25/01/2022

Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Pháp?

Song Hà

“Điểm yếu xây dựng hình ảnh hàng hóa Việt Nam cũng như thâm nhập sâu hơn vào thị trường Pháp là do phần lớn các doanh nghiệp chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng là người Việt và người châu Á tại Pháp…”

Khai trương Tuần lễ Tết Việt Nam tại siêu thị Carrefour.
Khai trương Tuần lễ Tết Việt Nam tại siêu thị Carrefour.

Đó là nhận định của ông Nhất Thành Khiêm, Tổng giám đốc TT Foods (nhà cung cấp các sản phẩm lương thực thực phẩm châu Á cho các nhà hàng, siêu thị tại Pháp) khi nói về cơ hội tiếp cận thị trường Pháp đối với nông sản và thực phẩm Việt Nam.

Ông Khiêm cho rằng, hạn chế lớn nhất của những nhà sản xuất Việt Nam là chưa biết nhiều về thị trường phân phối ở Pháp. Vì thế các nhà sản xuất lương thực thực phẩm Việt Nam luôn chọn thị trường truyền thống là xuất khẩu để phục vụ cho người châu Á ở châu Âu.

Chính điều này cản trở hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường sở tại. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tính đến phương án tiếp thị và tuyên truyền phù hợp với người tiêu dùng sở tại khi lên kế hoạch thâm nhập thị trường nước ngoài.

Cũng như muốn 60 triệu người Pháp quan tâm tới sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường, thị hiếu tiêu dùng của người Pháp, từ đó có cách tiếp cận khác, chiến lược marketing khác…

Để tiến sâu hơn vào thị trường Pháp, ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho biết trong khuôn khổ Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài" mà Bộ Công Thương đang triển khai, Thương vụ Pháp đã xây dựng cách tiếp cận phù hợp với thực tế tại địa bàn của mình.

Cụ thể, đối với đối tác là các tập đoàn phân phối lớn chưa có chính sách phát triển tại Việt Nam, Thương vụ đã áp dụng cách tiếp cận thực tiễn, mang lại lợi ích cho tất cả các bên, chính là mô hình hợp tác 3 bên giữa Thương vụ - nhà nhập khẩu và nhà phân phối bán lẻ.

Đơn cử như ngày 20/01/2022, tập đoàn bán lẻ Carrefour Pháp đã lần đầu tiên vinh danh Tết Việt Nam trong khuôn khổ “Tuần lễ Tết Nguyên đán 2022” trên chuỗi các đại siêu thị của mình tại Pháp, nhằm quảng bá tới đông đảo người tiêu dùng Pháp về văn hóa Tết và ẩm thực Việt Nam.

Khai trương Tuần lễ Tết Việt Nam tại siêu thị Carrefour.
Khai trương Tuần lễ Tết Việt Nam tại siêu thị Carrefour.

“Thông qua sự kiện này hàng hoá Việt Nam xây dựng được thương hiệu, hình ảnh của mình tại thị trường Pháp thông qua hơn 3.400 siêu thị của Carrefour, đặc biệt trong đó là 216 đại siêu thị trên toàn nước Pháp”, ông Sơn nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, theo ông Sơn, lợi ích đối với các doanh nghiệp Việt Nam còn rõ ràng hơn khi có cơ hội tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng Pháp khi thâm nhập được hệ thống phân phối đại siêu thị là phân khúc thị trường đại trà, số lượng lớn với những yêu cầu chặt chẽ và khó khăn nhất. 

 

"Những cơ hội này cũng chính là thử thách đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp muốn thành công bắt buộc phải có cách tiếp cận chuyên nghiệp và chiến lược dài hạn. Không chỉ đơn thuần tập trung vào hoạt động mua và bán như đa số các doanh nghiệp đang làm hiện nay".

Ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp 

Ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cho rằng, Carrefour là tập đoàn bán lẻ hàng đầu, đặc biệt được ưa chuộng tại Pháp. Với bàn đạp là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -châu Âu (EVFTA) và điểm tựa là các siêu thị, chuỗi phân phối bán lẻ như Carrefour, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tiếp cận diện rộng tới phân khúc khách hàng phổ thông tại Pháp.

Giám đốc điều hành chuỗi đại siêu thị Carrefour Pháp, ông Bruno Lebon cũng đồng tình, đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu mối quan hệ tốt đẹp giữa Carrefour và Việt Nam. Đồng thời là cơ hội để người tiêu dùng Pháp khám phá sâu hơn nữa nghệ thuật ẩm thực và các món ăn Việt Nam, vốn không còn xa lạ với người Pháp.

“Thương vụ sẽ tiếp tục báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm đẩy mạnh mô hình hợp tác này để mở rộng hợp tác tới các hệ thống phân phối bán lẻ khác tại Pháp, tạo đầu ra nhiều hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam tại Pháp”, ông Sơn cho hay.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp, hiện nay, nhiều đối tác là các siêu thị, chuỗi phân phối bán lẻ tại Pháp đã có kế hoạch gia tỷ lệ tăng hàng hóa Việt Nam trong hệ thống phân phối của mình.

Đây là một cơ hội tốt để hàng hóa Việt Nam tiếp cận được lượng khách hàng Pháp đầy tiềm năng, tạo tiền đề xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam và thâm nhập thị trường châu Âu nói chung.