09:59 11/04/2013

Điều hành giá xăng dầu: Tiến 3 thì lùi 1

Lê Thúy

Đã có quá nhiều lần người tiêu dùng ngỡ ngàng với động thái tăng giảm giá mặt hàng này

Dù có xảy ra trường hợp nào, người tiêu dùng cũng phải mở ví mua xăng, dầu, vì đây là mặt hàng không thể không mua.
Dù có xảy ra trường hợp nào, người tiêu dùng cũng phải mở ví mua xăng, dầu, vì đây là mặt hàng không thể không mua.
Mức giảm giá xăng dầu mới nhất chỉ bằng 1/3 so với lần tăng trước đó, theo kiểu “tiến 3, lùi 1”, đã gây ra nhiều hoài nghi.

Giá thế giới giảm, giá Việt Nam tăng và ngược lại. Một sự vận động mang bản sắc riêng của thị trường xăng dầu Việt Nam. Ngày 9/4 vừa qua, giá xăng dầu thế giới tăng trở lại. Nếu cùng “rơ” với thị trường thế giới, xăng dầu trong nước có thể được đưa vào tầm ngắm tăng giá.

Nhưng trái với dự đoán này, chiều tối ngày 9/4, liên bộ Tài chính - Công Thương phát đi thông tin yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá xăng dầu với mức giảm “dè sẻn” 500 đồng/lít(kg). Phản hồi của độc giả gửi về VnEconomy trước sự kiện chủ yếu rơi vào hai trạng thái, hoặc là thờ ơ, không quan tâm vì mức giảm quá nhỏ, hoặc lo ngại sẽ có đợt tăng giá mạnh hơn.

Dù sao, đã có quá nhiều lần người tiêu dùng ngỡ ngàng với động thái tăng giảm giá mặt hàng này.

Ngày 28/3, trong khi tin tức từ thị trường thế giới đều cho biết giá xăng dầu đang ở trong giai đoạn giảm dài hơi, đồng thời, phân tích của giới chuyên gia trong nước cũng thừa nhận các doanh nghiệp đang lãi, thì quyết định tăng giá xăng gần 1.500 đồng/lít vẫn được ký, đưa giá mặt hàng này lên cao nhất trong lịch sử, với những lý do đưa ra theo hướng “đẩy” tất cả bất lợi lên vai người tiêu dùng, bao gồm cả lý do “chống buôn lậu”.

Chưa kể, cơ sở tính toán lần tăng giá mới nhất của liên bộ là 30 ngày từ 25/2 đến 25/3. Với lần giảm giá hôm 9/4, liên bộ lại tính toán giá trên cơ sở giá trung bình từ ngày 10/3 đến 8/4. Như vậy, có một khoảng trùng lắp về chu kỳ tính giá giữa hai đợt tăng. Phải chăng, để đạt kết quả “âm” hay “dương” đối với chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá cơ sở, có thể chọn chu kỳ tính giá tương ứng?

Thế nên, không loại trừ khả năng, sau vài phiên giao dịch nữa, chu kỳ tính giá lại được chọn theo hướng hợp lý cho quyết định tăng giá. Hoặc có thể, quyết định tăng giá xăng dầu vẫn được đưa ra để tăng thuế, để bù đắp quỹ bình ổn giá, để... chống buôn lậu...

Dù có xảy ra trường hợp nào, người tiêu dùng cũng phải mở ví mua xăng, dầu, vì đây là mặt hàng không thể không mua. Giá nào cũng phải mua!