15:30 19/07/2023

Đình công lớn tại Hollywood: Khi chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển của AI

Tuệ Mỹ

Nỗ lực thương lượng về AI của các nhà biên kịch Mỹ có lẽ là “trận chiến” mới nhất để giải quyết những lo ngại về công nghệ tiên tiến đang thu hút sự chú ý của thế giới suốt sáu tháng qua kể từ khi ChatGPT trình làng...

Ảnh: Los Angeles Times
Ảnh: Los Angeles Times

Tối ngày 15/7 vừa qua, buổi ra mắt phim kinh dị hài Haunted Mansion tại Hyperion Theatre (bang California) đã trở thành sự kiện lớn đầu tiên ở Hollywood không một diễn viên nào trong phim xuất hiện. Các diễn viên của phim gồm Jared Leto, Owen Wilson, Tiffany Haddish,  LaKeith Stanfield, Rosario Dawson, Dan Levy đều không đến dự để bày tỏ sự ủng hộ cuộc đình công của Hiệp hội Diễn viên nổ ra từ ngày 13/7. Người duy nhất có mặt trên thảm đỏ buổi ra mắt là đạo diễn của phim - Justin Simien. Dù vậy, anh không trả lời phỏng vấn giới truyền thông.

Ngay sau đó, buổi ra mắt phim Oppenheimer ngày 17/7 tại New York cũng đã bị hủy. Một sự kiện khác là buổi ra mắt series phim truyền hình Special Ops: Lioness dự định ra mắt ngày 18/7 và phim hài The Beanie Bubble của Apple TV+ cũng bị hủy. Mùa 2 series phim Minx cũng sẽ không có buổi chiếu ra mắt. Dự đoán cuộc liên minh đình công lần đầu tiên giữa giới biên kịch và diễn viên sẽ ảnh hưởng đến các buổi ra mắt, sự kiện và liên hoan phim sắp tới trên khắp thế giới, bao gồm LHP Toronto, Venice diễn ra vào tháng 9, và lễ trao giải Emmy lần thứ 75 vào ngày 19/9.

CUỘC ĐÌNH CÔNG KÉP CHƯA CÓ NGÀY KẾT THÚC

Theo Guardian, nối tiếp Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA), Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) công bố đình công sau khi đàm phán thất bại. Cuộc đình công kép này sẽ khiến Hollywood bất động và thị trường phim ảnh trở nên “khó chồng khó”. Theo trang Reuters, SAG-AFTRA đại diện cho 160.000 diễn viên đã bỏ phiếu tán thành lệnh đình công, nhất trí hợp lực cùng với cuộc chiến mà WGA đã tiến hành hơn 60 ngày trước đó.

WGA và SAG-AFTRA đều yêu cầu tăng thù lao cơ bản, các quyền lợi đảm bảo lợi ích của họ trong kỷ nguyên truyền hình trực tuyến phát triển cùng với sự đảm bảo tác phẩm của họ không bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế trong tương lai. Thế nhưng, đàm phán giữa các bên đã thất bại.

Đình công lớn tại Hollywood: Khi chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển của AI - Ảnh 1
Đình công lớn tại Hollywood: Khi chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển của AI - Ảnh 2
 
Đình công lớn tại Hollywood: Khi chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển của AI - Ảnh 3
Đình công lớn tại Hollywood: Khi chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển của AI - Ảnh 4
 

Fran Drescher - cựu ngôi sao của The Nanny và là chủ tịch SAG-AFTRA, gọi phản ứng từ các hãng phim đối với yêu cầu của phía diễn viên là "xúc phạm và thiếu tôn trọng". Bà nói thêm rằng đại diện các hãng phim “từ chối bàn luận thẳng vào các chủ đề, than vãn, cản trở cuộc đàm phán”. Đến khi nào họ chấp nhận đàm phán một cách thiện chí hơn mới có thể thảo luận và đạt được thỏa thuận.

Trong khi đó, phía Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP), hiệp hội thương mại thay mặt Netflix Inc (NFLX.O), Walt Disney Co (DIS.N) và các công ty khác đàm phán, cho biết họ "vô cùng thất vọng vì SAG-AFTRA đã quyết định từ bỏ các cuộc đàm phán". Theo AMPTP, họ đưa ra mức tăng phần trăm cao nhất cho mức thù lao tối thiểu trong 35 năm qua. Họ cũng tăng các đãi ngộ và đưa ra đề xuất AI mang tính đột phá nhằm bảo vệ chân dung kỹ thuật số của các diễn viên. Đây là giải pháp giúp diễn viên giảm lo lắng hình ảnh kỹ thuật số của họ sẽ bị sử dụng bất hợp pháp.

AMPTP cho biết: "Thay vì tiếp tục đàm phán, SAG-AFTRA đã đưa tất cả vào một lộ trình gia tăng khó khăn tài chính cho hàng ngàn người phụ thuộc vào ngành này để kiếm sống". Theo The New York Times, trong thời gian cuộc đình công diễn ra, các diễn viên không đóng phim hay tham gia chiến dịch quảng bá phim. Cuộc biểu tình làm trì trệ việc sản xuất các bộ phim bom tấn, ví dụ như các phần tiếp theo của Avatar hay Deadpool. Các chương trình đêm khuya đang phải phát sóng lại các mùa cũ và phần lớn các sản phẩm truyền hình đã ngừng hoạt động hoặc tạm dừng sản xuất.

Cuộc đình công kép này sẽ khiến Hollywood bất động và thị trường phim ảnh trở nên “khó chồng khó”.
Cuộc đình công kép này sẽ khiến Hollywood bất động và thị trường phim ảnh trở nên “khó chồng khó”.

Sau 63 năm, các hãng phim hiện tại phải đối mặt với việc ngừng sản xuất hàng loạt trên khắp nước Mỹ và cả các nước khác. Việc đình công này cũng ảnh hưởng đến các nhà cung cấp thực phẩm, những dịch vụ hỗ trợ và những dịch vụ khác dựa vào sản xuất của Hollywood để kinh doanh. Điều đáng lo ngại nhất là phía hiệp hội không dự tính về thời gian kết thúc của cuộc đình công này. "Mọi việc chỉ vừa mới bắt đầu", Fran Drescher, Chủ tịch SAG-AFTRA khẳng định trong một tuyên bố.

NHỮNG CÔNG VIỆC BỊ ĐE DỌA BỞI AI

Theo The Independent, những nhà biên kịch đã đình công từ tháng 5 vẫn đợi chờ sự bảo đảm từ các hãng phim rằng công việc của họ sẽ không bị đe dọa bởi AI. Các thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) chia sẻ lo ngại việc các nhà sản xuất có thể tìm cách sử dụng AI để viết kịch bản hoặc sử dụng công nghệ này để hoàn thành các kịch bản phim còn dang dở. Họ e rằng AI có thể tạo ra một bản nháp thô từ một vài gợi ý đơn giản và các nhà biên kịch sau đó được thuê để hoàn thiện các bản nháp đó, nhưng với mức lương thấp hơn bình thường.

Công nghệ AI được sử dụng ở Hollywood trong nhiều năm. Trong bộ phim Avengers: Infinity Wars năm 2018, khuôn mặt của Thanos - nhân vật do nam diễn viên Josh Brolin thủ vai - được tạo ra một phần nhờ công nghệ này. Những cảnh quay đám đông và trận chiến trong các bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn cũng đã được áp dụng AI. Gần đây loạt phim Indiana Jones đã ứng dụng công nghệ này để khiến nhân vật của Harrison Ford trông trẻ hơn. AI cũng được sử dụng để hiệu chỉnh màu sắc, tìm cảnh nhanh hơn trong quá trình sản xuất hậu kỳ, loại bỏ vết trầy xước và bụi khỏi cảnh quay...

Đình công lớn tại Hollywood: Khi chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển của AI - Ảnh 5
Đình công lớn tại Hollywood: Khi chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển của AI - Ảnh 6
 
Đình công lớn tại Hollywood: Khi chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển của AI - Ảnh 7
Đình công lớn tại Hollywood: Khi chế tài tụt hậu với tốc độ phát triển của AI - Ảnh 8
 

Tuy vậy, việc sử dụng AI trong viết kịch bản vẫn ở giai đoạn sơ khai. Vào tháng Ba, một tập phim South Park có tên Deep Learning do ChatGPT đồng sáng tác, tập trung cao độ vào cốt truyện (các nhân vật sử dụng ChatGPT để nói chuyện với các cô gái và làm bài ở trường). Ngay lập tức, đội ngũ biên kịch tại Hollywood cho rằng các quy định về luật còn nhiều bất ổn về vấn đề này, với các chế tài tụt hậu so với tốc độ phát triển nhanh chóng của AI.

Ông August là thành viên của Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA), nhà biên kịch bộ phim nổi tiếng Những thiên thần của Charlie nói với CNN: “Chúng tôi lo rằng, kịch bản của mình sẽ bị biến thành ‘chất liệu’ để AI tạo ra các kịch bản khác”. WGA đã yêu cầu Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình (AMPTP) thực hiện một loạt thay đổi, từ việc tăng lương cho đến các hướng dẫn rõ ràng trong các dịch vụ trực tuyến.

Trong một đề xuất được công bố trên trang web của WGA, họ cho rằng: AI nên được quy định để nó “không thể viết hoặc viết lại tài liệu văn học, không thể được sử dụng làm tài liệu nguồn” và tác phẩm của các nhà biên kịch “không thể được sử dụng để huấn luyện AI”.

Trong khi các nhà biên kịch phim và truyền hình ở Hollywood hiện đang dẫn đầu cuộc đấu tranh, các ngành khác cũng rất chú ý đến vấn đề nóng này. Theo ông Rowan Curran, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Forrester Research (Mỹ), “các nghệ sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư, chuyên gia bất động sản và nhân viên dịch vụ khách hàng đều sẽ cảm nhận được tác động của AI”.