13:08 30/03/2024

Định vị thương hiệu du lịch quốc gia: "Chìa khóa vàng" đón khách quốc tế

Anh Nhi

Việc tạo dựng thương hiệu quốc gia cho ngành du lịch được xem như "chìa khóa vàng" để mở những cánh cửa tiếp cận đông đảo du khách quốc tế. Tuy nhiên, công tác định vị thương hiệu của ngành vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục...

Định vị thương hiệu là giải pháp quan trọng để gia tăng năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia, kiến tạo những điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm cụ thể và triển khai kế hoạch xúc tiến, quảng bá hiệu quả, không rơi vào tình trạng lãng phí.

Do đó, rất nhiều quốc gia trên thế giới tập trung đầu tư cho việc định vị thương hiệu du lịch quốc gia, coi đó là nền tảng để triển khai những chiến dịch kích cầu thu hút khách quốc tế.

Ở nước ta, thời gian gần đây, vấn đề này đã được chú trọng hơn, song không ít ý kiến cho rằng, công tác định vị thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, một phần đến từ khâu xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế.

QUẢNG BÁ DU LỊCH CHƯA BÀI BẢN

Ông Phạm Hà, CEO LuxGroup - công ty du lịch và lữ hành vừa nhận giải thưởng quốc tế Đối tác bền vững Travelife tại Hội chợ du lịch lớn nhất thế giới ITB Berlin 2024 cho biết ông thấy sự thiếu vắng gian hàng du lịch quốc gia Việt Nam. Điều này phản ánh một thực tế là công tác định vị thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam và quảng bá du lịch quốc tế vẫn chưa thật sự bài bản và bền vững.

"Hoạt động xúc tiến du lịch được coi là điểm yếu cố hữu của ngành. Nguyên nhân là do chúng ta chưa định vị được thương hiệu du lịch quốc gia và các sản phẩm du lịch cũng chưa thể hiện được câu chuyện về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, ẩm thực và con người một cách sâu sắc và chuyên nghiệp. Logo vẫn được tạo ra thông qua các cuộc thi thay vì được phát triển bởi các công ty chuyên về thương hiệu, có chiến lược thương hiệu dài hạn, tập trung vào mục tiêu cụ thể và nhắm đến hành vi tiêu dùng của du khách thông qua dữ liệu", ông Hà chia sẻ.

Việc xác định được đúng logo cho thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Quan sát cách làm du lịch để thấy một số nước trong khu vực đã thay đổi slogan du lịch và kết quả là lượng khách du lịch tăng vọt. Ví dụ, Thái Lan định vị thương hiệu du lịch của mình là "Amazing Thailand" và Malaysia luôn khiến khách du lịch nghĩ đến đất nước họ là họ liên tưởng luôn đây là điểm đến "Truly Asia". Về cơ bản, ngành du lịch Việt Nam cũng đã xác định được logo của mình là "Timeless charm", việc cần đẩy mạnh là chiến lược xúc tiến dài hơi, content marketing hấp dẫn và tăng cường mở văn phòng đại diện thị trường nguồn.

Cũng theo ông Hà, mặc dù được coi là ngành kinh tế trụ cột nhưng ngành du lịch hiện đang phát triển một cách không đồng đều, thiếu tính bền vững và thống nhất, đồng thời cũng không có một cơ quan chủ trì có khả năng thực thi du lịch như một ngành kinh tế thực sự.

"Vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp du lịch xây dựng hình ảnh điểm đến và xúc tiến thị trường theo kiểu mạnh ai nấy làm, chồng chéo, thiếu sự đồng nhất. Các quỹ du lịch cũng chưa được sử dụng hiệu quả, trong khi Việt Nam không tham gia vào các sự kiện lớn như các hội chợ du lịch ITB Berlin và WTM. Việt Nam cần làm mới thương hiệu du lịch của mình để phù hợp với thị trường quốc tế sau đại dịch COVID-19, đặt du khách làm trung tâm và đáp ứng nhu cầu của họ", ông Hà cho biết thêm.

HÌNH THÀNH VĂN PHÒNG XÚC TIẾN DU LỊCH Ở NƯỚC NGOÀI

Để định vị được Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, chính phủ đã ban hành một số chính sách với những mục tiêu, yêu cầu cụ thể cho ngành du lịch, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác xúc tiến du lịch.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch là thực hiện Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Bộ phê duyệt theo Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2023.

"Chiến lược đã khẳng định sự cần thiết của việc hình thành các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt, xem xét tranh thủ nguồn lực của khu vực tư nhân hoặc thành lập đại diện xúc tiến du lịch thông qua cơ chế hợp đồng, có sự hỗ trợ của đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại", ông Siêu cho biết.

Ngoài ra, để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, chiến lược đưa ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, như: Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn; tập trung, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đơn vị báo chí truyền thông lớn trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực marketing du lịch…

"Để đạt được những mục tiêu trên, việc đầu tiên và quan trọng cần phải làm đó là phải xác định rõ khách hàng mục tiêu, thị trường trọng điểm và nhu cầu của thị trường. Việc đánh giá hành vi tiêu dùng cần phải dựa trên số liệu thực tế thông qua các kết quả khảo sát và sự đo lường bằng các ứng dụng công nghệ", ông Hà nhấn mạnh.

Các công ty du lich và lữ hành kiến nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần phối hợp Bộ Ngoại giao thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa; xây dựng các chương trình văn hóa lồng ghép trong các hoạt động ngoại giao để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và uy tín trong khu vực và thế giới.