Doanh nghiệp cần làm những gì để được cấp giấy đi đường QR Code?
Doanh nghiệp thương mại điện tử, logistic và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn Hà Nội có thể gửi hồ sơ đến Sở Công Thương để xin cấp giấy đi đường QR Code…
Hà Nội chính thức áp dụng giấy đi đường mẫu mới nhận diện thông qua mã QR từ sáng nay, 6/9. Giấy đi đường mới do cơ quan công an chủ trì cấp cho các nhóm đối tượng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mẫu giấy đi đường QR Code được cấp thông qua phần mềm “cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện”.
Theo Sở Công thương Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh trên địa bàn Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội (từ ngày 6 - 21/9), sở này hướng dẫn cấp giấy đi đường có nhận diện cho người và phương tiện vận chuyển (QR Code) trong vùng 1.
Cụ thể, đối tượng doanh nghiệp được cấp giấy gồm 4 lĩnh vực: doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu, logistics, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thiết yếu gồm: Doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh siêu thị; Doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích; Đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ; Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi; Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, LPG (đã được sở công thương cấp giấy chứng nhận của lĩnh vực này); Doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.Hà Nội; Doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhu yếu phẩm thiết yếu khác thuộc lĩnh vực công thương (tã, bỉm, sữa, băng vệ sinh…).
Các đơn vị được cấp giấy đều đã được sở công thương tổng hợp danh sách đăng tải chi tiết trên trang web của Sở Công thương Hà Nội, địa chỉ: congthuong.hanoi.gov.vn.
Về quy trình cấp giấy phép, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chuẩn bị 3 file mềm/bản scan các tài liệu sau: công văn đề nghị của doanh nghiệp đơn vị (có ký tên, đóng dấu), lưu ý doanh nghiệp, đơn vị cung cấp đầu mối liên lạc (tên, địa chỉ, điện thoại, email…); lập các danh sách theo mẫu… và gửi về địa chỉ email: giaydiduong.soct@gmail.com.
Sở Công Thương tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Nếu đủ điều kiện sẽ tổng hợp và gửi Công an thành phố xem xét, cấp xác nhận. Nếu không hợp lệ sẽ nêu rõ lý do và niêm yết trên mục Phòng chống Covid tại trang web http://congthuong.hanoi.gov.vn.
Trong chiều ngày 5/9, 500 giấy đi đường đầu tiên được Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08) cấp cho cá nhân, tổ chức hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu. Theo đó, PC08 nhận được mail đề nghị của Sở Công Thương cấp giấy cho hàng nghìn trường hợp. Cán bộ của Phòng liên tục nhận được các cuộc gọi từ các sở, ngành, doanh nghiệp hỏi về thủ tục. Để phục vụ cấp giấy đi đường, PC08 chuẩn bị 16 máy tính cài đặt sẵn phần mềm, hơn 54 cán bộ sẽ làm việc 24/24h.
Tối 5/9 tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết trong ngày 6 - 7/9, hai ngày đầu thực hiện quy định giấy đi đường mới, các lực lượng chức năng "chưa xử phạt mà chỉ kiểm tra nhắc nhở". Việc chưa xử phạt được lý giải để "chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp".
Chủ tịch Hà Nội cho rằng, biện pháp cấp giấy đi đường là "vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ". Nhưng với quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, thành phố xác định "làm quyết liệt nhưng không cầu toàn". Từ việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới, Hà Nội sẽ phân tích để đưa ra "biện pháp tối ưu". Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng đài 1022 - nhánh 4 để được hướng dẫn.