13:40 10/02/2009

Doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội “vật vã”

Mạnh Đức

Sản xuất sụt giảm, sa thải, sản phẩm không tiêu thụ được... đang là tình trạng của nhiều doanh nghiệp công nghiệp ở Hà Nội

Cùng với biện pháp kích cầu của Chính phủ, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có những cơ chế, chính sách san sẻ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Cùng với biện pháp kích cầu của Chính phủ, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có những cơ chế, chính sách san sẻ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Sản xuất sụt giảm, sa thải, sản phẩm không tiêu thụ được... đang là tình trạng của nhiều doanh nghiệp công nghiệp ở Hà Nội.

Theo số liệu của Sở Công thương Hà Nội, riêng trong tháng 1/2009, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội giảm tới 6,4% so với cùng kỳ năm 2008.

Khu vực kinh tế Nhà nước địa phương giảm 10,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 16,5%. Một số ngành có mức giảm mạnh như chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm bằng kim loại, sản xuất thiết bị văn phòng, sản xuất phương tiện vận tải. Nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng.

Lao động mất việc ngày càng tăng

Qua thống kê tình hình lao động tại 19 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong năm 2009, số lao động thiếu việc làm từ 3 tháng trở lên là 1.467 người, mất việc là 617 người. Riêng năm 2008 vừa qua, con số này tương ứng là 891 và 314 người.

Như vậy, tình trạng thiếu việc làm và mất việc tăng gần gấp hai lần, mà nguyên nhân chính là sản phẩm tiêu thụ chậm, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Mặt khác, do chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian qua, lãi suất ngân hàng tăng cao, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng... làm cho giá thành sản phẩm cũng tăng theo đã gây ra ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức tiêu thụ sản phẩm. Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản xuất, người lao động không có việc làm và tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Công ty Cổ phần Sơn Chinh, chuyên sản xuất hàng may mặc đang đứng trước nguy cơ cho nghỉ việc 300 công nhân, chiếm một nửa trong số lao động của công ty. Cũng trong tình cảnh “bi đát” không kém, Công ty Cổ phần Dệt kim Hà Nội dự kiến cắt giảm việc làm của 150 lao động, chiếm gần một nửa lao động hiện có. Công ty Cơ khí Xuân Hòa đã cho nghỉ việc 68 công nhân, chiếm 30% lao động hiện có.

Trong năm 2008 vừa qua, Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên có 120 công nhân phải nghỉ việc, chiếm hơn 10% tổng số lao động và dự kiến năm 2009 có tới 60% lao động giảm thời gian làm việc...

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Dệt Minh Khai cho biết, các doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, giá cả nguyên vật liệu ngày càng tăng cao, nhất là than ron tăng gấp hơn 3 lần, hóa chất, nguyên liệu tăng từ 30 - 40%, giá xăng dầu và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, giá sản phẩm xuất khẩu tăng không nhiều, dao động từ 5 - 10%.

Ông Hùng cho biết thêm, năm 2008, công ty càng sản xuất càng lỗ, mà không làm cũng lỗ do vẫn phải trả lãi suất ngân hàng. Chính vì vậy, giải pháp tức thời là công ty phải giãn ca sản xuất, công nhân thay nhau nghỉ làm. Còn Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Giầy Thượng Đình giảm từ 20 - 30% đơn hàng xuất khẩu. Mặc dù, công ty vẫn duy trì việc làm cho 1.600 công nhân nhưng phải giảm giờ làm.

Tìm hướng thoát

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, thành phố Hà Nội cùng Sở Công thương Hà Nội đang kiểm tra, rà soát tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh để tìm biện pháp tháo gỡ.

Cùng với biện pháp kích cầu của Chính phủ, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có những cơ chế, chính sách san sẻ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Còn đối với bản thân các doanh nghiệp cũng phải phát huy nội lực của mình cùng với sự hỗ trợ của nhà nước nỗ lực vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Ông Hùng cho biết, lượng hàng xuất khẩu đang giảm sút nên trong năm 2009 này, công ty tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Mọi thiết bị, máy móc đều ngừng đầu tư, tận dụng thiết bị cũ để sản xuất, cốt yếu là tạo đủ việc làm cho người lao động. Hiện nay công ty đang rất “đói” vốn, trong khi ngân hàng lại thắt chặt nguồn vốn vay do kinh tế khó khăn. Mặc dù, Chính phủ đã có biện pháp kích cầu nhưng cũng chỉ giống như tung miếng bọt xốp xuống nước cho người sắp chết đuối.

Nhiều công ty đang “sống dở chết dở” như Dệt Minh Khai chỉ mong Chính phủ tiếp sức để tồn tại. Đến thời điểm này, Công ty Giầy Thượng Đình cũng chưa lập kế hoạch cho năm nay và hiện đang tính toán để duy trì sản xuất bằng năm trước, đảm bảo đủ công ăn việc làm cho công nhân.

Theo dự báo, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2009 còn mạnh mẽ hơn năm 2008 và có thể kéo dài tới vài năm tiếp theo. Đây là nỗi lo của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và không loại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa nếu không có sự “giải cứu” kịp thời từ phía Nhà nước.