15:12 02/09/2024

Doanh nghiệp đón trước mùa mua sắm

Lưu Hà

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 7 tháng qua có mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây (ngoại trừ giai đoạn đại dịch). Do đó, thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong giai đoạn cuối năm được coi là yếu tố quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu tính chung trong cả giai đoạn 2021 - 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13 - 13,5%/năm). 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu trong Chiến lược.

KỲ VỌNG SỨC MUA KHỞI SẮC

Bắt đầu từ thời điểm này, ngoài chủ động nguyên liệu đầu vào, tiết giảm mọi chi phí để giữ giá tốt, các doanh nghiệp sản xuất đã nghiên cứu thị hiếu của khách hàng để cho ra mắt những sản phẩm phù hợp vào mùa mua sắm cuối năm.

Trong lĩnh vực thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp nói chung kỳ vọng nhiều vào các tháng kinh doanh sắp tới. Bởi lẽ thông thường, thời điểm cuối năm, người tiêu dùng sẽ mua sắm mạnh tay hơn để chuẩn bị cho những ngày lễ, Tết. “Đôi khi, bán 2 tháng mà bằng lượng hàng bán cả năm, vì vậy các doanh nghiệp rất chú trọng chuẩn bị sản xuất hàng cho các tháng cuối năm”, bà Lý Kim Chi cho hay.

Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, doanh nghiệp này đã chuẩn bị ngân sách để dự trữ, sản xuất hàng hóa cuối năm, hàng Tết. Doanh nghiệp này dự kiến ra mắt dòng sản phẩm mới, chú trọng vào tính tiện lợi và nhanh chóng như các dòng sản phẩm chả lụa que hướng đến phân khúc khách hàng trẻ. Để kích cầu tiêu dùng, Vissan sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên giảm giá đến 30%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ giảm giá nhưng ở mức thấp hơn.

Bà Phạm Thị Nguyệt, đại diện thương hiệu Bánh Lâm Bon, cho hay thay vì việc cơ cấu lại bộ máy, cắt giảm quỹ lương hoặc tinh giảm nhân công do sức ép nguồn thu, công ty sẽ phát triển thêm các kênh bán hàng; đặc biệt thúc đẩy việc marketing qua các nền tảng mạng xã hội để gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng.

“Kỳ vọng cuối năm hoạt động kinh doanh sẽ khởi sắc hơn. Với việc tái cơ cấu lại hoạt động, Lâm Bon sẽ còn 3 tháng cuối năm để lấy lại đà tăng trưởng trước đây, qua đó sẽ hoàn thành mục tiêu năm đã đề ra” bà Nguyệt chia sẻ.

Giữ giá bán bình ổn, tăng khuyến mãi đối với hàng thiết yếu là phương án được ưu tiên xuyên suốt.
Giữ giá bán bình ổn, tăng khuyến mãi đối với hàng thiết yếu là phương án được ưu tiên xuyên suốt.

Ở kênh bán lẻ, Saigon Co.op cho biết để có nguồn hàng với số lượng lớn, giá cả ổn định, Saigon Co.op đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn từ 3 - 5 năm, giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, trong kế hoạch cung ứng hàng hóa cho các tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ nỗ lực đảm bảo trên 90% hàng hóa trên quầy kệ là hàng Việt. Cùng với đó, Saigon Co.op bổ sung nguồn hàng ngoại nhập nhất định để giúp đa dạng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng.

Đại diện siêu thị MM Mega Market cũng cho hay, từ nay tới cuối năm sẽ còn nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích thích sức mua. Việc giữ giá bán bình ổn, tăng khuyến mãi đối với hàng thiết yếu là phương án được ưu tiên xuyên suốt, trong đó nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10 - 30%.

Với hệ thống siêu thị Satra, để kích cầu, tăng sức mua trong thời gian tới, chuỗi siêu thị này sẽ thực hiện khoảng 14 chương trình khuyến mại ở giai đoạn cuối năm. Trong đó, riêng dịp cao điểm là tháng 9 và Tết Dương lịch sẽ tăng gấp đôi chương trình khuyến mại tập trung vào nhóm hàng thiết yếu.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam của Central Retail Việt Nam, cho biết hiện nay người tiêu dùng đang giảm tần suất đi mua sắm tại siêu thị nhưng giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm lại cao hơn. Nắm bắt xu hướng này, công ty đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm các địa phương để mở rộng đầu ra cho hàng hóa, tiết kiệm các chi phí đầu vào cho sản phẩm...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2024 phát hành ngày 02/9/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp đón trước mùa mua sắm - Ảnh 1