15:45 30/05/2014

Doanh nghiệp FDI mong “bò sớm quay về chuồng”

Nguyễn Lê

Hội trường nơi diễn ra buổi gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài khu vực phía Nam không còn một ghế trống

Không chỉ có đại diện hiệp hội các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các vụ 
gây rối hồi trung tuần tháng 5 có mặt, mà các hiệp hội không có doanh 
nghiệp bị thiệt hại cũng đến lắng nghe, lên tiếng.<br>
Không chỉ có đại diện hiệp hội các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các vụ gây rối hồi trung tuần tháng 5 có mặt, mà các hiệp hội không có doanh nghiệp bị thiệt hại cũng đến lắng nghe, lên tiếng.<br>
“Có thể lòng tin phần nào giảm sút, nhưng lúc này không nên đổ lỗi cho nhau nữa mà nên siết chặt tay nhau. Chính quyền không chỉ nói mà sẽ làm thật tốt, từ những việc nhỏ nhất, để các doanh nghiệp tiếp tục đến Việt Nam đầu tư”, Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam nói tại buổi gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài khu vực phía Nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 30/5.

Hội trường nơi diễn ra buổi gặp gỡ không còn một ghế trống cho đến những phút cuối. Không chỉ có đại diện hiệp hội các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các vụ gây rối hồi trung tuần tháng 5 có mặt, mà các hiệp hội không có doanh nghiệp bị thiệt hại cũng đến lắng nghe, lên tiếng.

Ở hàng ghế chủ tọa, bên cạnh Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là 3 vị phó chủ tịch UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tp.HCM.

Đại diện các ngành công an, tài chính, lao động - thương binh và xã hội cũng tham gia đông đủ.

Mức độ thiệt hại khác nhau, cấp độ lo lắng cũng khác nhau, song tiếng nói từ đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Nhật, Đài Loan, Hồng Kông, Singgapore, Trung Quốc… đều thể hiện mong muốn các cơ quan chức năng Việt Nam hành động nhanh và cụ thể hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chế độ của người lao động và việc tuyển dụng nhân sự mới.  

Vị đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) dùng hình ảnh “mất bò mới lo làm chuồng” trong phát biểu của mình. Ông nhấn mạnh sự ủng hộ đình công một cách ôn hòa, không hoan nghênh sự gây rối.

Khẳng định đồng hành cùng Việt Nam trong thời điểm khó khăn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Pháp nhìn nhận thiệt hại vừa qua chỉ là phần nổi của tảng băng, hậu quả lâu dài cần khắc phục là phần chìm của tảng băng đó.

Làm cách nào để khôi phục niềm tin cho doanh nghiệp FDI để họ yên tâm lâu dài ở Việt Nam là câu hỏi luôn được lặp lại từ cuộc gặp gỡ.

Không có thiệt hại gì, song đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Úc cũng nhắc lại hình ảnh “mất bò mới lo làm chuồng” với kỳ vọng “Việt Nam sẽ sớm bắt lại được bò”.

Bày tỏ tin tưởng rằng Nhà nước Việt Nam có thể kiểm soát được  tình hình và khôi phục lại môi trường đầu tư, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị phải quy định thời gian cho các công việc hỗ trợ khắc phục, để nhanh chóng có thể khắc phục tổn thất xảy ra.

Chia sẻ tâm trạng của các nhà đầu tư, vị đại diện Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an) - Đại tá Hồ Văn Mười cho biết hiện nay ngành đang tập trung điều tra các loại tội phạm lợi dụng gây rối, thu hồi sớm nhất, nhiều nhất tài sản đã mất cho các các doanh nghiệp.

Với lo lắng của các nhà đầu tư về tình hình an ninh tới đây, Đại tá Mười khẳng định công an các tỉnh đều đã lập kế hoạch chi tiết để phòng ngừa và xử lý sự cố tốt nhất cho doanh nghiệp.

Cũng nhắc lại hình ảnh “mất bò mới lo làm chuồng” mà các nhà đầu tư sử dụng, ông Mười nhấn mạnh lâu nay Việt Nam đã chuẩn bị nhiều phương án để đảm bảo an toàn cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Vừa rồi vấn đề biển Đông tạo thành làn sóng yêu nước, khi đó một số đối tượng xấu đã lợi dụng gây nên hậu quả đáng tiếc, và cũng có một tổ chức bên ngoài đã kích động vấn đề này.

"Hiện nay không phải thời điểm khó khăn nhất, trước đây trong thời điểm khó khăn nhất Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư. Nguyên nhân sâu xa nhất của sự việc đáng tiếc vừa qua là do hành vi vi phạm chủ quyền", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà phát biểu.

Thể hiện sự đồng tình với ông Hà, Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam thông tin, hiện 98% các doanh nghiệp tỉnh này đã đi vào sản xuất, chỉ còn vài doanh nghiệp bị thiệt hại hoàn toàn chưa thể khôi phục.

"Tới nay mọi việc đang đi vào nền nếp, việc kê khai thẩm định đã xong và khám nghiệm hiện trường đã hoàn thành hơn 80%. Sự ủng hộ của các doanh nghiệp tạo điều kiện cho chính quyền làm việc tốt hơn, rất đáng khích lệ", ông Nam nói lời cảm ơn với các doanh nhân.

Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp nếu phát hiện ai nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, xin hãy phản ánh và cam kết sẽ xử lý nghiêm khắc. "Nếu điện thoại không được thì quý vị nhắn tin, chắc chắn tôi sẽ trả lời", ông Nam nhắn nhủ.

Đại diện ngành lao động - thương binh và xã hội, ông Lê Xuân Thành cũng đưa ra nhiều thông tin cụ thể về chế độ cho người lao động. Theo đó, các doanh nghiệp ngừng hoạt động dài ngày ngành đã đề nghị hướng giải quyết chế độ cho công nhân và đang chờ ý kiến của Thủ tướng.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết đã quyết định 9 giải pháp để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, liên quan đến gia hạn về thuế, thông quan nhanh với hàng hóa nhập khẩu, kiểm kê đánh giá về thiệt hại, phục hồi số liệu…

Những doanh nghiệp đang thuê đất của Nhà nước thì sẽ miễn giảm tiền thuê đất, ông Thành cho hay.

"Những điều các vị chưa hài lòng chúng tôi cũng sẽ ghi nhận và báo cáo lại với Chính phủ. Hơn ai hết, chúng tôi là người đau xót nhất vì kinh tế khó khăn". Sau lời bộc bạch nói trên, ông Thành cũng đề nghị các bên có liên quan có hành động thiết thực, để làm sao “không mất thêm bò nữa”.

Ghi nhận đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh quan hệ kinh tế thương mại Việt - Trung vẫn đang diễn ra bình thường.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt - Trung vẫn cùng chung lợi ích khi các mối quan hệ kinh tế giữ được ổn định, ông Lộc nói trước đông đảo các doanh nghiệp FDI.