Doanh nghiệp không quá lo lắng khi Trung Quốc chưa mở tour tới Việt Nam
Mới đây, ngành du lịch Trung Quốc công bố mở lại tour du lịch đến 20 quốc gia, nhưng Việt Nam không có tên trong danh sách này. Điều này được dự đoán là bước cản trở cho các doanh nghiệp lữ hành và cả hàng không trong hành trình trở lại thị trường tỷ dân...
Ngay khi Trung Quốc thông báo mở cửa du lịch, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã có kế hoạch chuẩn để khai thác khách du lịch đến Trung Quốc và ngược lại. Bên cạnh việc giáp ranh biên giới, thị trường du lịch giữa 2 bên đều vô cùng sôi động. Dù hiện tại khách Trung Quốc vẫn có thể vào Việt Nam theo diện công tác, thăm thân, tuy nhiên đó không phải kịch bản mà các công ty lữ hành mong chờ.
BÌNH TĨNH ĐỂ CHUẨN BỊ THẬT TỐT
Theo các hãng lữ hành, việc Trung Quốc chưa chọn Việt Nam là một trong 20 điểm đến để đưa khách đi tour khi mở cửa không có nhiều bất ngờ. Vì vậy, phản ứng chung là không nên quá lo lắng. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang nhận định, có thể do hàng rào kỹ thuật hai bên chưa thống nhất. Chẳng hạn, chính sách xin và cấp thị thực (visa) nhập cảnh chưa đồng bộ, thị thực điện tử (e-visa) chưa khôi phục hoàn toàn... Bên cạnh đó, khi mở cửa du lịch trở lại, các quốc gia sẽ ưu tiên mở tour, tuyến theo đường hàng không, nhưng hiện nay, nhiều đường bay giữa Trung Quốc với một số nước chưa được khôi phục.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour cũng cho rằng, danh sách du lịch của Trung Quốc gồm những quốc gia mà nước này ưu tiên hơn trong việc để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đưa khách đi trong giai đoạn mới mở cửa. Hiện khách Trung Quốc muốn sang Việt Nam vẫn có thể đi theo nhiều diện khác nhau như thăm thân, làm ăn, buôn bán kết hợp với du lịch. Do đó, Trung Quốc sẽ sớm mở cửa du lịch với mọi nước theo nhu cầu của người dân, khi có nhiều chuyến bay và việc kiểm soát dịch được đảm bảo.
Mặt khác, ông Hoàng Tuân, Giám đốc THD Travel cho rằng, ngay cả khi khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch trở lại thì thị trường cũng chưa thể khôi phục ngay lập tức. Vì thế, đây cũng là khoảng thời gian phù hợp để các doanh nghiệp du lịch, công ty hàng không sắp xếp, làm mới các sản phẩm của mình và đào tạo hệ thống nhân sự thêm chất lượng.
Ngoài ra, với số lượng chuyến bay charter ít ỏi, các doanh nghiệp Việt cũng chưa có cơ hội sang Trung Quốc để tìm hiểu nhu cầu, thói quen du lịch của người dân sau đại dịch, đồng thời xúc tiến thương mại và tìm kiếm các điểm đến phù hợp. "Các đơn vị lữ hành Việt cũng cần thời gian để phục hồi thị trường khách tiềm năng này", ông Tuân nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang cho hay qua làm việc với các đơn vị lữ hành Trung Quốc, họ cho biết đã nắm trước các thông tin này và có kế hoạch triển khai du lịch Việt Nam vào cuối tháng 3/2023. Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ là điểm đến được yêu thích. "Chúng ta không nên quá lo lắng, mà cần thời gian, sự chuẩn bị chuyên nghiệp nhất", ông Nhựt nêu quan điểm.
MONG ĐỢI QUÝ 2 “ẤM DẦN”
Tại buổi lễ khai trương đường bay quốc tế TP.HCM - Thái Lan ngày 9/2 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel nhận định hoạt động khai thác hàng không, du lịch sẽ "ấm dần" lên trong thời gian tới, đặc biệt là với thị trường lớn như Trung Quốc, từ tháng 4/2023. Do đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước nên có những chính sách kịp thời, phù hợp để sớm thu hút khách Trung Quốc.
Bởi trong khi du lịch Việt Nam vẫn phải chờ đợi, Thái Lan và các nước tại Đông Nam Á sẽ dần chiếm thị phần ở thị trường này. Ngay trong ngày 6/2, theo Bangkokpost, Thái Lan đã đón 13 chuyến bay với hàng trăm khách Trung Quốc. Theo ông Kỳ, nếu chậm trễ, việc đón được 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết trong tháng 3 - 4 tới, hãng sẽ khôi phục hoạt động bay thường lệ với 9 đường bay kết nối Việt Nam và Trung Quốc. Hiện Vietnam Airlines đang khai thác thường lệ các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải; tháng 3 tới sẽ khôi phục thêm đường bay Hà Nội - Bắc Kinh; từ tháng 4 sẽ khôi phục đường bay Đà Nẵng - Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô và giữa Hà Nội - Thành Đô. Dù dự báo giai đoạn đầu mở lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc khách chưa nhiều, Vietnam Airlines vẫn đặt kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ bằng khoảng 80% năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Tại Khánh Hòa, dịp Tết Quý Mão 2023, TP.Nha Trang cũng đã đón hàng trăm khách đến từ Trung Quốc và dự kiến đến ngày 26/3 sẽ mở nhiều chuyến bay thẳng từ Trung Quốc đến địa phương này. Ông Lê Dũng Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Phú - đơn vị tổ chức tour tham quan liên tỉnh ở Khánh Hòa, cho biết du lịch trong nước đang trong giai đoạn trầm lắng nên rất trông chờ vào thị trường quốc tế. Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc có mức chi tiêu không cao, lượng khách Nga thì "nhỏ giọt". Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng, mức chi tiêu cao nên các đơn vị du lịch rất mong đợi vào lượng khách này.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đồng tình và cho rằng, việc cần thiết lúc này là Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kết hợp Bộ Ngoại giao, xúc tiến sớm trao đổi với đại diện Trung Quốc, nhằm kết nối du lịch hai nước. "Chúng tôi đợi Chính phủ công bố chính sách mới để các doanh nghiệp chủ động đưa ra các phương án đón khách hiệu quả", ông Dũng nói. "Các doanh nghiệp cần trong tâm thế chủ động đem đến cho du khách dịch vụ tốt nhất và giá cả phải chăng nhất", ông Dũng cho hay và mong đợi các đơn vị lữ hành có thể đón du khách Trung Quốc vào quý 2 tới.
Tại báo cáo về du lịch của Ngân hàng HSBC mới đây, các chuyên gia của ngân hàng này nhận định với tỉ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (chiếm 30% tổng khách quốc tế đến trước Covid-19), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận "cú hích" từ sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc. Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, tỉ lệ trở lại của du khách Trung Quốc tới Việt Nam có thể đạt 50% - 80% so với mức trước đại dịch (3 triệu đến 4,5 triệu).
Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với thị trường khách Trung Quốc, cần sự định hướng rõ ràng và "nắn dòng" để hướng tới những đối tượng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Cùng với đó, ngành du lịch cần có giải pháp cụ thể để cân bằng các thị trường khách trọng điểm, truyền thống như khách châu Âu, châu Mỹ. Đa dạng thị trường khách quốc tế đến sẽ góp phần giúp ngành du lịch phát triển bền vững.
Trong số 20 quốc gia Trung Quốc cho phép mở tour trở lại có 11 nước ở châu Á - Thái Bình Dương, là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, New Zealand và Fiji. Chín quốc gia còn lại là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, Cuba và Argentina.