Doanh nghiệp mò mẫm trong “rừng” thủ tục
“Có mỗi mặt hàng như kén tằm, hạt hướng dương mà cũng phải 2 bộ kiểm tra"
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu lên thực tế, “có mỗi mặt hàng như kén tằm, hạt hướng dương mà cũng phải 2 bộ kiểm tra. Mà các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi “ông” này về rồi ông khác mới đến kiểm tra, kiểm định”.
Cuộc làm việc ngày 21/8 giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 11 bộ ngành về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Dũng, cũng là Tổ trưởng Tổ công tác, đã không chỉ là người truyền đạt lại các yêu cầu của Thủ tướng, mà còn thay lời doanh nghiệp trút ra hàng loạt bức xúc.
Một loạt oái oăm
Ngoài hạt hướng dương, kén tằm, ông Dũng còn dẫn ra ví dụ về mặt hàng nguyên liệu sô cô la cần 13 loại giấy phép, trong đó 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm.
Một mặt hàng khác là nguyên liệu sản xuất bánh kẹo cũng phải qua kiểm tra theo 4 văn bản gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một giống cây trồng cũng phải kiểm tra theo 3 thông tư hay mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế...
“Cứ chẻ ra như thế thì không ổn. Hiện còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho doanh nghiệp”, Tổ trưởng Tổ công tác nói, “tôi nghĩ doanh nghiệp làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như đi lạc vào rừng”.
Một loạt những oái oăm khác trong kiểm tra chuyên ngành cũng được ông Dũng nêu ra như hiện nay nhiều bộ vẫn còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng về Việt Nam vẫn phải qua kiểm tra chuyên ngành. Đã vậy, cách kiểm tra lại rất là... thủ công, kết nối công nghệ thông tin giữa các cơ quan hạn chế, chưa áp dụng quản lý rủi ro. Kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, chỉ 0,1%.
Có tình trạng bộ chỉ giao cho một đơn vị thực hiện kiểm tra, cả nước chỉ tập trung vào một cơ quan kiểm định, giám định đó, dẫn đến tình trạng chi phí cho doanh nghiệp đội lên rất lớn do vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc chỉ để kiểm tra, giám định.
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng Hải quan kiểm tra xong rồi nhưng không thông quan được vì phải chờ bộ chuyên ngành tới kiểm tra. Khi tới kiểm tra thì hôm nay yêu cầu 1 thủ tục, mai yêu cầu 1 thủ tục cho nên có những lô hàng nằm ở cửa khẩu 3- 4 tháng là bình thường, trong khi quy định 15 ngày, có mặt hàng 30 ngày là phải xong.
Có những bộ vẫn cài cắm giấy phép như một điều kiện kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định. Hoặc có bộ ra văn bản không phải thông tư nhưng yêu cầu này kia, tạo rào cản khác biệt...
Chưa hề “động đậy”
Hiện tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30-35% và Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải kéo giảm xuống còn 15%.
Chính phủ đã xác định phải cải cách toàn diện hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, giao 3 nhiệm vụ chung cho các bộ ngành và giao 8 nhiệm vụ cho từng bộ.
Thủ tướng cũng đã giao các bộ sửa đổi, bổ sung 87 văn bản. Hiện nay đã có 60 văn bản được rà soát, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 56 văn bản, có 4 văn bản thấy không cần sửa đổi, bổ sung.
“Phải quyết tâm cắt bỏ các giấy phép, thủ tục không cần thiết. Còn 5.917 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ tại các cửa khẩu Thủ tướng yêu cầu rà soát cắt giảm. Thủ tướng đã nêu rõ phải cắt giảm cho được chi phí không chính thức và chính thức, năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Tổ công tác về tỉ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, thì chỉ có 4 bộ hoàn thành nhiệm vụ rà soát này là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao rà soát 49 văn bản hiện đã hoàn thành 75,5%. Bộ Công Thương có 10 văn bản, đã hoàn thành 90%. Bộ Y tế được giao 9 văn bản, đã hoàn thành 55,6%. Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải cần rà soát 2 văn bản, thì mới hoàn thành rà soát được 1. Đặc biệt, có hai bộ là Bộ Xây dựng có nhiệm vụ cần rà soát 4 văn bản và Bộ Công an là 2 văn bản nhưng đến nay vẫn chưa... “động đậy” tí nào!
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.
CIEM tính toán, nếu giảm được 30% trong số 100.000 mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành như hiện nay có thể giúp nền kinh tế tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4.300 tỷ đồng. Nếu giảm 50% sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỷ đồng.
Cuộc làm việc ngày 21/8 giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 11 bộ ngành về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Dũng, cũng là Tổ trưởng Tổ công tác, đã không chỉ là người truyền đạt lại các yêu cầu của Thủ tướng, mà còn thay lời doanh nghiệp trút ra hàng loạt bức xúc.
Một loạt oái oăm
Ngoài hạt hướng dương, kén tằm, ông Dũng còn dẫn ra ví dụ về mặt hàng nguyên liệu sô cô la cần 13 loại giấy phép, trong đó 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm.
Một mặt hàng khác là nguyên liệu sản xuất bánh kẹo cũng phải qua kiểm tra theo 4 văn bản gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một giống cây trồng cũng phải kiểm tra theo 3 thông tư hay mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế...
“Cứ chẻ ra như thế thì không ổn. Hiện còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho doanh nghiệp”, Tổ trưởng Tổ công tác nói, “tôi nghĩ doanh nghiệp làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như đi lạc vào rừng”.
Một loạt những oái oăm khác trong kiểm tra chuyên ngành cũng được ông Dũng nêu ra như hiện nay nhiều bộ vẫn còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng về Việt Nam vẫn phải qua kiểm tra chuyên ngành. Đã vậy, cách kiểm tra lại rất là... thủ công, kết nối công nghệ thông tin giữa các cơ quan hạn chế, chưa áp dụng quản lý rủi ro. Kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, chỉ 0,1%.
Có tình trạng bộ chỉ giao cho một đơn vị thực hiện kiểm tra, cả nước chỉ tập trung vào một cơ quan kiểm định, giám định đó, dẫn đến tình trạng chi phí cho doanh nghiệp đội lên rất lớn do vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc chỉ để kiểm tra, giám định.
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng Hải quan kiểm tra xong rồi nhưng không thông quan được vì phải chờ bộ chuyên ngành tới kiểm tra. Khi tới kiểm tra thì hôm nay yêu cầu 1 thủ tục, mai yêu cầu 1 thủ tục cho nên có những lô hàng nằm ở cửa khẩu 3- 4 tháng là bình thường, trong khi quy định 15 ngày, có mặt hàng 30 ngày là phải xong.
Có những bộ vẫn cài cắm giấy phép như một điều kiện kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định. Hoặc có bộ ra văn bản không phải thông tư nhưng yêu cầu này kia, tạo rào cản khác biệt...
Chưa hề “động đậy”
Hiện tỉ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30-35% và Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải kéo giảm xuống còn 15%.
Chính phủ đã xác định phải cải cách toàn diện hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, giao 3 nhiệm vụ chung cho các bộ ngành và giao 8 nhiệm vụ cho từng bộ.
Thủ tướng cũng đã giao các bộ sửa đổi, bổ sung 87 văn bản. Hiện nay đã có 60 văn bản được rà soát, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 56 văn bản, có 4 văn bản thấy không cần sửa đổi, bổ sung.
“Phải quyết tâm cắt bỏ các giấy phép, thủ tục không cần thiết. Còn 5.917 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ tại các cửa khẩu Thủ tướng yêu cầu rà soát cắt giảm. Thủ tướng đã nêu rõ phải cắt giảm cho được chi phí không chính thức và chính thức, năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Tổ công tác về tỉ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, thì chỉ có 4 bộ hoàn thành nhiệm vụ rà soát này là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao rà soát 49 văn bản hiện đã hoàn thành 75,5%. Bộ Công Thương có 10 văn bản, đã hoàn thành 90%. Bộ Y tế được giao 9 văn bản, đã hoàn thành 55,6%. Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải cần rà soát 2 văn bản, thì mới hoàn thành rà soát được 1. Đặc biệt, có hai bộ là Bộ Xây dựng có nhiệm vụ cần rà soát 4 văn bản và Bộ Công an là 2 văn bản nhưng đến nay vẫn chưa... “động đậy” tí nào!
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.
CIEM tính toán, nếu giảm được 30% trong số 100.000 mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành như hiện nay có thể giúp nền kinh tế tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4.300 tỷ đồng. Nếu giảm 50% sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỷ đồng.