10:21 29/09/2008

Doanh nghiệp Nhật mong gì ở Việt Nam?

Việt An

37 đại diện doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đang có chuyến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Tại nhà máy lắp ráp xe máy của Honda Việt Nam.
Tại nhà máy lắp ráp xe máy của Honda Việt Nam.
“Biện pháp thắt chặt tiền tệ và nhiều biện pháp khác nhằm khắc phục tình trạng khó khăn trước mắt của Việt Nam đã tạo niềm tin và dũng khí cho các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam”.

Ông Hiroyuki Yoshino, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Honda Motor đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Việt Nam và Nhật Bản - Cơ hội và thách thức cho tương lai”.

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức ngày 26/9/2008 tại Hà Nội, nhân dịp 37 đại diện doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản do ông Hiroyuki Yoshino dẫn đầu đang có chuyến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Tiềm năng hợp tác

Đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân ở Nhật Bản, ông Hiroyuki Yoshino cho biết chủ trương quốc tế hoá các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản để tích cực đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Ông  Sumitaka Fujita, Cố vấn đặc biệt Phòng Thương mại và Vông nghiệp Tokyo, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Itochu giải thích thêm: Nhật Bản hiện nay thiếu lực lượng lao động trẻ. Đây chính là điểm yếu của Nhật Bản, đòi hỏi nước này phải liên kết với các nước châu Á để cùng nhau phát triển kinh tế, đặc biệt là thắt chặt quan hệ với các nước thuộc khu vực sông Mê Kông mở rộng (GMS), trong đó có Việt Nam.

“Việt Nam là mắt xích quan trọng trong hành lang giao thông GMS và có một vai trò quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế tiểu vùng GMS như hành lang kinh tế: Bắc - Nam, Đông - Tây và ven biển phía nam. Việt Nam hiện là cầu nối và là cửa ngõ cho các tuyến hành lang kinh tế này”, ông Sumitaka Fujita nói.

Đại diện cho phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việt Nam cũng đã và đang đẩy mạnh hợp tác trong khu vực GMS. Tính tới tháng 7/2008, đầu tư của Việt Nam vào một số nước trong tiểu vùng GMS là 161 dự án chiếm 50,79% trong tổng số dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, tổng vốn đầu tư là gần 1,5 tỷ USD, chiếm 57,43% trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, thế mạnh công nghệ, tài chính, mạng lưới thị trường quốc tế và kỹ năng quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản một khi được kết hợp với các lợi thế của Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho cả hai nước Việt - Nhật cũng như các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

“Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của các nhà đầu tư Nhật Bản và mong muốn các tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất, sản xuất vật liệu mới, chế biến nông sản thực phẩm; các công trình kết cấu hạ tầng như các nhà máy điện, cảng biển, đường giao thông, các lĩnh vực dịch vụ, nhất là du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế”, ông Dũng nói.

Nhìn nhận tiềm năng hợp tác trong khu vực GMS rất lớn cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam trong vận chuyển đường bộ, đường sông ở khu vực này, song đại diện của các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, vẫn còn những cản trở cho việc tận dụng tiềm năng phong phú này, như đường xá, cảng biển, kiểm dịch, thông quan.

Những vấn đề phía Nhật quan tâm

Ông Toru Tsuji, Phó chủ tịch tập đoàn xây dựng Toyo tỏ ra lo lắng về tỉ lệ lạm phát của Việt Nam hiện nay quá cao, trên 20%. Ông không biết liệu năm sau và những năm tiếp theo, tỉ lệ lạm phát cao đó có giảm được không. Một vấn đề nữa cũng được ông nhắc đến là sự biến động tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD quá lớn.

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định với các nhà đầu tư Nhật Bản rằng: “Với những chỉ đạo tập trung của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành các cấp và cơ sở, tình hình đã có những chuyển biến bước đầu. Tốc độ tăng giá đã chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, tháng 9/2008, chỉ số CPI chỉ tăng 0,18%.

Dự kiến năm nay tốc độ lạm phát của Việt Nam sẽ được kiềm chế ở mức 25% và 15% vào năm 2009, sẽ xuống 1 con số vào 2010. Cân đối ngoại tệ được bảo đảm và tỷ giá VND so với ngoại tệ ổn định trở lại”.

Ông Yasuyuki Inoue, Chủ tịch Aichi Sangyo lại rất quan tâm đến khả năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lí để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Điều quan trọng hơn nữa là sự hỗ trợ của nhà nước để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định rằng những khó khăn nêu trên chỉ là tạm thời, ngắn hạn. Việt Nam có đủ khả năng và quyết tâm để kiểm soát được tình hình, khống chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững trong trung và dài hạn. Ông cũng bày tỏ tin tưởng làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật bản trong thời gian tới sẽ tập trung vào ngành công nghiệp phụ trợ cũng như những ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết, với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều vẫn có tín hiệu tăng trưởng tốt.

Tính đến hết tháng 7 năm nay, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt xấp xỉ 10 tỷ USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Với đà này, dự kiến kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước so với mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận là đạt 15 tỷ USD vào năm 2010.

Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng tin tưởng sau khi hai nước ký kết hiệp định đối tác kinh tế (EPA) Việt-Nhật, hiện đang đi vào giai đoạn đàm phán cuối, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước chắc chắn sẽ có những bước tiến vượt bậc.