Doanh nghiệp siêu nhỏ Việt đang sợ đảo lộn, thiếu tự tin thay đổi
Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ kiểu gia đình hiện nay đang quen với cách làm cũ, ngại thay đổi vì sợ đảo lộn trật tự nên hoạt động thiếu hiệu quả
Chuyên gia Võ Trí Thành nhận định, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ có quan niệm đầu tư là phải có ngay doanh số, sớm có lợi nhuận, nhưng đầu tư phải tính đến dài hạn nên các doanh nghiệp siêu nhỏ thường không mạnh dạn đột phá làm theo cách mới.
Chia sẻ tại hội thảo về chính sách tài chính hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ vừa được tổ chức, ông Võ Trí Thành đánh giá cao về tầm quan trọng của khối doanh nghiệp này trong đóng góp vào nền kinh tế.
Ông Thành cho rằng, quy mô của doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ có số lượng lao động dưới 10 người chiếm đến gần 70% trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp tư nhân hiện nay.
Mặc dù chiếm số lượng lớn nhưng vị chuyên gia này nhận định sức khỏe của các doanh nghiệp siêu nhỏ lại không tốt.
"Thời gian đầu, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động khá tốt và cũng có tầm nhìn chiến lược nhưng sau đó có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ kiểu gia đình lại quen với cách làm cũ và ngại với cách làm mới vì sợ đảo lộn trật tự trong hoạt động doanh nghiệp và thiếu niềm tin khi thay đổi", chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cũng chỉ rõ điểm hạn chế của khối doanh nghiệp này là tư tưởng bảo thủ, đầu tư là muốn có ngay doanh số và lợi nhuận. Trong khi đó, việc đầu tư là phải tính đến dài hạn, thời gian thu hồi lâu, chưa chắc bảo đảm sớm có lợi nhuận. "Chính vì vậy, các doanh nghiệp siêu nhỏ kiểu gia đình thường không mạnh dạn đột phá làm theo cách mới", ông nói.
Cộng với nguồn lực mỏng, vốn hạn hẹp nhưng không muốn vay vốn ngân hàng vì sợ thiếu nợ, ngại công khai minh bạch sổ sách chứng đã dẫn đến việc mở rộng sản xuất, nâng tầm quy mô đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn hạn chế. Hệ quả là các doanh nghiệp siêu nhỏ rơi vào vòng luẩn quẩn vì tầm nhìn nhỏ nên bé mãi.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính), cũng chỉ ra rằng, khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể là một trong những "động cơ chạy chính" cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, khối này chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô và thường tập trung vào các vấn đề như lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cũng như hỗ trợ khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ phát triển, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp, khuyến nghị.
Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi hơn nữa đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn cho doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô nhỏ. Áp dụng hình thức khấu trừ thuế đầu tư đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ kinh doanh. Đơn giản hóa và tăng hiệu lực quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Song song với đó là các hỗ trợ khác đối với doanh nghiệp như áp dụng chế độ kế toán tiền mặt đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ; thay đổi hệ thống kế toán, thuế đơn giản, dễ dàng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; ưu đãi về việc đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…