14:21 02/09/2021

Doanh nghiệp “sống mòn”, 3 chuỗi cung ứng lớn có nguy cơ đổ vỡ

Ánh Tuyết

Đứt gãy nguồn lao động do giãn cách, giá nguồn nguyên vật liệu tăng cao và tình trạng ngăn cấm di chuyển giữa các khu vực, các địa phương khiến ba chuỗi cung ứng lớn đứng trước nguy cơ đổ vỡ...

Ngành dệt may và nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ngành dệt may và nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố báo cáo “Khuyến nghị chính sách tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách trong đại dịch Covid-19” gửi đến Thủ tướng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Ban Kinh tế Trung ương.

Cụ thể, chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến, chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh, như TP. HCM.

Chuỗi cung ứng ngành ô tô có bị ảnh hưởng, tuy nhiên, nguyên nhân không phải do Covid, mà nguyên nhân là do hạn chế thương mại của Mỹ đối với các nhà sản xuất chip, vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc.

Với chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản gián đoạn do lao động bị cách ly, giãn cách, gây đình trệ lưu thông. Việc nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch mà không có đầu ra và khó vận chuyển gây ra đứt gãy.

Chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị giãn cách, điều kiện sản xuất 3 tại chỗ, hay 1 cung đường 2 hoặc 3 điểm đón chưa phù hợp với tất cả các địa phương khác nhau và bối cảnh giãn cách theo Chỉ thị 16+.

 

“Lệnh hạn chế đi lại mỗi khu vực và địa phương thực hiện một kiểu dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất. Nhiều doanh nghiệp không phản ứng kịp khi thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu… Quan niệm “hàng thiết yếu” mỗi nơi mỗi khác nên gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa”.

Nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Dù doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các biện pháp, sáng kiến ứng phó đại dịch chưa từng có tiền lệ, tuy nhiên, nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, điều kiện sinh hoạt, môi trường lao động của người lao động cũng bị ảnh hưởng khi thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm” .

"Điều này dẫn đến nguy cơ không đảm bảo các yêu cầu của khách hàng về an toàn vệ sinh lao động, khiến các nhà máy có nguy cơ bị khách hàng yêu cầu đánh giá lại về tính tuân thủ và điều kiện làm việc".

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo giao hàng kịp thời, đúng thời gian theo hợp đồng với đối tác, nhiều doanh nghiệp đứng trước sức ép phải tăng giờ làm cho số lao động tự nguyện và có nguy cơ vi phạm số giờ tăng ca theo quy định của Bộ Luật lao động. Cụ thể, số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; không quá 300h/năm.

Việc thực hiện “1 cung đường – 2 địa điểm” để vận chuyển lao động hoặc cho phép lao động di chuyển cũng gặp không ít khó khăn do các quy định rất chặt về lưu thông liên tỉnh/thành phố như tại Bình Dương, Đồng Nai với TP. HCM và các tỉnh lân cận.

Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cung ứng và suy giảm kinh tế ngày càng trầm trọng, nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất Chính phủ và ban ngành trung ương cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn, cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường.

Đáng lưu ý, nhóm nghiên cứu đề xuất thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế “tuyến đường xanh”, cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính, nhưng quản lý chặt lái xe, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương.

Đồng thời, xây dựng ứng dụng điện tử “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn...