14:47 03/07/2024

Doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đang cạn nguồn vốn

Vân Nguyễn

Báo cáo tình hình doanh nghiệp quý 2/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có 57,1% doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu chỉ báo thị trường đang dần xấu đi, số doanh nghiệp giảm doanh thu lại tăng vọt lên mức 30,4%...

Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang cạn kiệt nguồn vốn - Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang cạn kiệt nguồn vốn - Ảnh minh họa.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp quý 2/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho thấy 57,1% doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, tăng hơn 6% so với quý 1/2024. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giảm doanh thu lại tăng vọt lên mức 30,4%. Lượng hàng tồn kho tăng lên mức 34% và số dư nợ tăng mức 42%.

“Đây là những dấu hiệu chỉ báo thị trường đang dần xấu đi, doanh nghiệp khó tiêu thụ hàng hóa hơn trước và tình trạng nợ đọng dây dưa đang diễn ra phổ biến trong cộng đồng”, HUBA nhận định.

DOANH NGHIỆP CẠN KIỆT NGUỒN TIỀN

Theo HUBA, đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, khó khăn phổ biến là tình trạng nợ khó đòi, chiếm dụng vốn vẫn còn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn vay bị tắc do quy định thế chấp quá ngặt, khối nợ lớn trái phiếu tới hạn nửa cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, việc áp dụng tiêu chí quá chặt chẽ của chính sách quản lý giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP càng làm cho việc phân bổ vốn, điều hòa vốn giữa các thành viên trong các tập đoàn kinh tế không thể triển khai, thậm chí làm khó cho quan hệ vay mượn giữa doanh nghiệp và một tổ chức tài chính, tín dụng....

 

"Trong hoạt động kinh doanh, vốn luôn là điều kiện đầu tiên mà doanh nghiệp cần bảo đảm. Tuy nhiên, với hậu quả của hàng loạt khó khăn dồn dập thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền. Doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ gốc trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo" - Báo cáo của HUBA cho biết.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khó khăn chung là tình trạng cạn tiền, không thu được nợ kinh doanh trong khi bị chủ nợ vay hối thúc. Lãi suất vay mặc dù đã giảm nhưng còn cao so với lợi nhuận thực hiện, các khoản vay trước năm 2023 và lãi vay cá nhân giảm không đáng kể, làm hạn hẹp dòng tiền cho tiêu dùng cá nhân.

Đồng thời, có một số khó khăn khác liên quan đến thể chế kinh tế còn nhiều bất cập, cải cách thủ tục hành chính chưa đạt kỳ vọng và một số vấn đề pháp lý chưa rõ ràng, kéo dài,...

Khảo sát của HUBA cũng cho thấy hiện có đến 64% doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết gặp khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm, 50% doanh nghiệp khó khăn vì thiếu các đơn hàng mới, 29% doanh nghiệp khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào tăng, 16% doanh nghiệp khó khăn vì thiếu vốn kinh doanh.

Đáng chú ý, chỉ số lao động cho thấy khá nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch giảm lao động với mức 30%.

Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trương Quốc tràn sang đã tạo áp lực đáng kể cho doanh nghiệp Việt.

Báo cáo của HUBA cho biết các doanh nghiệp âm thầm rời bỏ thị trường khá nhiều, nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ quyết toán thuế, vì thủ tục quyết toán thuế doanh nghiệp giải thể là khá khó khăn và tốn thời gian rất lâu.

Do đó, con số thực tế giải thể nhiều hơn số báo cáo một cách đáng kể. Dòng tiền đã không được chuyển dịch vào sản xuất kinh doanh mà được cất trữ vào vàng và ngoại tệ, làm cho thị trường này biến động thất thường trong thời gian qua.

“Họat động xuất khẩu đang tốt lên, các đơn hàng xuất khẩu về nhiều, ngành hàng cà phê, nông sản đang thu hút khách mua hàng quốc tế (xuất khẩu cà phê tăng 44%) đang “đau đầu” vì phí vận tải biển tăng gấp đôi (giá cước container 40 feet đi Châu Âu từ hơn 2.000 USD lên tới 5.000 USD), nếu xuất khẩu doanh thiệp vẫn thua lỗ”, HUBA cho biết.

HẠ LÃI SUẤT VÀ KÍCH CẦU TIÊU DÙNG

Trước tình hình trên, khảo sát của HUBA cho biết có 63% doanh nghiệp kiến nghị thành phố đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; 63% doanh nghiệp đề xuất giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn; 45% doanh nghiệp kiến nghị thành phố hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất; 46% doanh nghiệp yêu cầu nhanh chóng giải quyết các kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp.

Theo HUBA, việc hỗ trợ lãi vay không giải quyết tận gốc của vấn đề là bổ sung dòng tiền. Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xử lý triệt để các khó khăn của thị trường như vấn đề cạn kiệt vốn đầu tư và suy giảm cầu tiêu dùng. 

Đối với hệ thống ngân hàng thương mại, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách ân hạn triệt để, dài hạn các khoản nợ tới hạn năm 2024, không tạo áp lực trả nợ mới cho doanh nghiệp, giảm tối đa lãi suất vay vốn.

Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục giảm lãi vay dù lãi suất huy động trên thị trường đang tăng lên, tiếp tục cho doanh nghiệp vay thế chấp bằng lô hàng như trước đây, tiết giảm chi phí hoạt động, hạ thấp biên lợi nhuận định mức để giảm thiểu tối đa lãi suất vay vốn.

Trong đó, việc áp dụng chính sách hỗ trợ một cách phổ biến cho tất cả các khoản vay trước năm 2023, các khoản vay tiêu dùng và vay cá nhân là hết sức cần thiết nhằm xử lý triệt để khối nợ đọng trong xã hội hiện nay.

Bên cạnh đó, HUBA cho rằng ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản; quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...) hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).

 

Theo báo cáo của HUBA, thành phố Hồ Chí Minh đã để mất vị trí dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài khi nhiều dự án lớn đã và đang có xu hướng lập đại bản doanh tại các tỉnh lân cận, những nơi được xem là có điều kiện thuận lợi và chính sách ưu đãi đầu tư tốt hơn.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Thành phố tập trung một số ngành lợi thế để đầu tư, thúc đẩy phát triển như: Trung tâm giao thông với hệ thống hạ tầng kho bãi, cảng xuất khẩu, sân bay, logistics, ...