16:06 02/07/2024

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm

Thanh Thủy

6 tháng đầu năm 2024, GRDP 6 Thành phố Hồ Chí Minh ước tăng 6,46% so với cùng kỳ. Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, Thành phố đã thành lập tổ chuyên trách, mỗi tuần phải tổ chức rà soát các dự án đầu tư để kịp thời gỡ vướng mắc…

Toàn cảnh phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chiều 1/7 - Ảnh: TN.
Toàn cảnh phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chiều 1/7 - Ảnh: TN.

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những diến biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen, kinh tế Thành phố ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực khi chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng năm 2024 ước tăng 6,46% so với cùng kỳ.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là tập trung hết sức để tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn cản trở nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC

Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nhận định 6 tháng đầu năm, Thành phố tăng trưởng bình quân 6,46% nhưng quý 3, phải vượt lên trên 7% và đến quý 4 phải vượt lên nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%. Cả hệ thống chính quyền đến các sở, ngành cần tập trung cho việc này.

Chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - Nguồn: Cục Thống kê Thành phố.
Chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - Nguồn: Cục Thống kê Thành phố.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, chủ đề năm nay của Thành phố là chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 98. Đối với 2 nội dung này, Thành phố đã triển khai những công việc mang tính chất nền tảng, giờ là lúc chọn trọng tâm, đột phá để đi sâu thực hiện.

“Sau một năm trển khai Nghị quyết 98, chúng ta đã làm được nhiều việc lớn nhưng cần xem những gì mong muốn chúng ta đã làm tới nơi chưa? Ví dụ như việc phân cấp cho các sở, ngành, quận, huyện đã đủ chưa? Các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có tiếp nhận cái phân cấp đó chưa?", Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nêu vấn đề.

Tiếp theo, ông Mãi nhận định qua rà soát ban đầu, Thành phố có 6 chỉ tiêu trong tổng số 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội sẽ tập trung thực hiện đạt kết quả cao nhất từ đây đến cuối năm 2025.

Theo kết luận tại Hội nghị Thành ủy vừa qua, cần rà soát lại những chương trình, mục tiêu chính, các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là 49 chương trình, đề án trọng điểm. Từ đây đến cuối năm, ông Mãi đề nghị trong 49 chương trình, đề án thì phải xác định tập trung những chương trình nào để tập trung thực hiện.

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế Thành phố ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực khi GRDP 6 tháng năm 2024 ước tăng 6,46% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tất cả 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố đều có mức tăng trưởng dương, tăng cao nhất là ngành vận tải, kho bãi (18,47%), tăng thấp nhất là ngành bất động sản (2,94%).

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2/2024 so với quý 1/2024 đã có tín hiệu khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,6% (cao nhất trong 3 năm gần đây).

Cụ thể, có 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 36,6% giữ ổn định và 26,4% khó khăn hơn. Trong đó, 80% doanh nghiệp nhà nước cho rằng hoạt động quý 2/2024 so với quý 1/2024 tốt lên và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước lần lượt là 73,6% và 72,7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn Thành phố dự ước tăng trưởng khá với mức tăng 10,0% so với cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 20/6/2024, Thành phố cấp phép 25.248 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 214.716 tỷ đồng, tăng 9,6% về giấy phép và tăng 1,0% về vốn so với cùng kỳ.

CẦN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Trần Quang Lâm cũng đã thông tin về các dự án hạ tầng trên địa bàn.

Đề cập đến vấn đề giải ngân đầu tư công, ông Trần Quang Lâm cho rằng đến thời điểm này Thành phố mới giải ngân được 13,8% là rất đáng lo ngại. Với tình hình hiện nay, có khả năng Thành phố giải ngân không đạt như năm ngoái.

 
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TN.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TN.

"Vướng mắc ở đầu tư, kể cả đầu tư công và tư cũng phải tháo gỡ ngay. Hiện, Thành phố đã thành lập tổ chuyên trách, mỗi tuần rà soát 1 lần để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố” - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nhấn mạnh.

Theo ông Lâm, đối với các dự án Thành phố chuẩn bị đầu tư thì có 2 vấn đề, đó là vấn đề quy hoạch và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khi triển khai thực hiện. Đây là hai vướng mắc chính cần tập trung tháo gỡ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các dự án.

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết hiện Thành phố có 5 dự án được Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp định kỳ hằng tháng.

Trong đó, về dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay các gói thầu trên địa bàn các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai… đã có tiến độ vượt lên so với Thành phố.

Do đó, theo ông Lâm, nếu Thành phố không tập trung cao độ, tăng tốc thì sẽ bị chậm hơn các tỉnh và nguy cơ ảnh hưởng tiến độ chung. Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn về vật liệu, công tác điều hành và đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.

Còn với dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, ông Lâm cho biết vẫn còn vướng mắc ở đoạn cắt ngang đường Trần Quốc Hoàn. Nếu không giải quyết sớm, năm sau khi nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác, tuyến đường kết nối này vẫn không thể thông xe. Ngoài ra, hiện hệ thống thoát nước kênh A4, là một trong 3 lối thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất chưa được triển khai.

Về tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị đang xây dựng các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động vận hành, khai thác. Đặc biệt là quan tâm đến hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức như xe buýt, xe đạp…, đáp ứng sẵn sàng khi metro 1 được đưa vào sử dụng.

Phát biểu tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi thừa nhận thành phố đặt mục tiêu giải ngân 30% kế hoạch vốn đầu tư công trong quý 2 nhưng cho đến nay chỉ mới 13%. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, Thành phố phải tập trung mọi nỗ lực, tìm mọi giải pháp để thúc tăng trưởng, trước hết là thúc đẩy giải nhân đầu tư công.