14:33 21/09/2024

Doanh nghiệp tư nhân lớn cần tiên phong trong những việc lớn, việc khó

Anh Nhi

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không chỉ ở các quốc gia phát triển mà kể cả các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế ở cả góc độ tăng trưởng, việc làm và ngân sách. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân lớn cần tiên phong trong những việc lớn, việc khó và việc mới...”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước diễn ra sáng 21/9.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước diễn ra sáng 21/9.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước diễn ra sáng 21/9.

Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, cùng sự tham dự đóng góp ý kiến của 12 tập đoàn tư nhân lớn của cả nước như Vin Group, Hòa Phát, Thaco, TH, T&T…

YÊU CẦU MỚI CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

Sau gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, đến nay, Việt Nam đã đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

“Đặc biệt, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới như Vingroup, Thaco, Hòa Phát…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.

Cụ thể, đó là hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quy mô lớn nói riêng còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan; đội ngũ doanh nhân vừa và lớn chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng và quá trình phát triển đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với khu vực và thế giới…

Trong khi đó, bối cảnh hiện nay lại có nhiều sự thay đổi lớn với sự ra đời của ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, điều chỉnh trong cấu trúc thương mại…

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

“Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng “Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới”.

DOANH NGHIỆP ĐI ĐẦU TRONG CÁC LĨNH VỰC XƯƠNG SỐNG

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự Hội nghị hôm nay đạt khoảng 70 tỷ USD. Do vậy, việc huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh Hội nghị của Thường trực Chính phủ hôm nay như “Hội nghị Diên Hồng” đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân để Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các đề xuất, trong đó nhấn mạnh đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục); đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.

Với doanh nghiệp tư nhân trong nước, Bộ trưởng kiến nghị các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự Hội nghị.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự Hội nghị.

Với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, bề dày kinh nghiệm và thương hiệu lâu đời, chúng tôi tin rằng đã đến lúc đặt lên vai doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bên cạnh hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu đem lại doanh thu lợi nhuận, các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững như: xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp… .

Đặc biệt cần tham gia vào các dự án lớn của đất nước như: đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, Đường cao tốc Viên Chăn - Hà Nội, Đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, …

Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò doanh nghiệp dẫn đầu, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

“Tôi rất hy vọng các doanh nghiệp tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, sức mạnh nội sinh, tự lực, tự cường … chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.